U máu là gì ?

U máu hình thành do quá trình tăng sinh mạch máu quá mức và thường lành tính. Ở trẻ em, bệnh u máu có xu hướng thoái triển dần theo thời gian và sẽ biến mất hoàn toàn hoặc một phần khi trẻ từ 5 đến 10 tuổi.

U máu hay u mạch máu có thể phát triển trên da hoặc tại các cơ quan bên trong cơ thể. Đa phần bệnh u máu có sự tăng trưởng lành tính và chưa xác định được chính xác nguyên nhân. Bệnh u máu thường không di truyền, tuy nhiên những thành viên trong gia đình vẫn có thể bị u máu.

U máu là bệnh gì?

U máu phổ biến nhất ở dạng một vết bớt màu đỏ tươi trên da của trẻ nhỏ khi vừa chào đời hoặc sẽ xuất hiện trong 2 tuần đầu tiên sau sinh. Ngoài ra, khối u máu cũng có thể hình thành ở các cơ quan bên trong cơ thể như: ruột, cột sống, cơ quan hô hấp,… đặc biệt thường gặp nhất ở gan.

u mau

Với u máu trên da, khối u thường được tạo thành từ mạch máu phụ, trông giống như một vết sưng đỏ (phẳng hoặc lồi), có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, nhất là ở vùng mặt, ngực, lưng,…

Bệnh u máu sẽ phát triển nhanh chóng ở tháng đầu tiên sau khi trẻ chào đời, được gọi là giai đoạn tăng sinh. Khối u máu sẽ đạt 80% kích thước tối đa khi trẻ sơ sinh đủ 3 tháng tuổi. Thông thường, u máu sẽ ngừng phát triển (phẳng và bớt đậm màu) và dần thu nhỏ kích thước khi trẻ 1 tuổi.

Theo thời gian, có khoảng ½ trường hợp bệnh u máu ở trẻ sẽ để lại mô sẹo hoặc hình thành các mạch máu thừa trên da. Thống kê về các trường hợp u máu trên thế giới đã chỉ ra rằng bệnh u máu phổ biến ở bé trai hơn bé gái và trẻ em da trắng dễ mắc bệnh hơn trẻ em da màu.

Đa phần, bệnh u máu ở trẻ không cần phải điều trị vì khối u này sẽ mất dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu trẻ bị u máu ở những vị trí nhạy cảm, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sớm điều trị.

Các vị trí trên cơ thể người có thể bị u máu

Khối u máu trên da

U máu dưới da (hay u mạch máu) là một khối u tế bào lành tính thường gặp ở trẻ em, hình thành do sự tăng sinh của các mạch máu (gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). Tỷ lệ gặp u máu dưới da lần lượt là: gần 60% xuất hiện khi ở trẻ sơ sinh, 40% trong tháng đầu và 30% ở trẻ đẻ non có cân nặng sau sinh dưới 1,8kg. Theo thống kê, có 60% u máu xuất hiện ở vùng đầu, mặt và cổ và một phần nhỏ có u máu dị dạng xuất hiện trong nội tạng.

U máu trong gan

U máu trong gan còn được gọi là u máu gan. Tình trạng này là sự xuất hiện của các khối u lành tính trong gan được tạo ra từ đám rối của các mạch máu. Đây là sự tập hợp bất thường của các mạch máu, thường có kích thước dưới 4cm.

U máu trên gan có tỷ lệ xuất hiện cao nhất trong nhóm u máu tại các cơ quan bên trong cơ thể. Theo đó, khối u máu sẽ phát triển bên trong hoặc bên trên bề mặt gan. Một số nghiên cứu cho biết việc sử dụng thuốc tránh thai có thể dẫn đến bệnh u máu trong gan của trẻ ngay từ trong bụng mẹ.

Tỷ lệ người trưởng thành khỏe mạnh bị u máu trong gan có thể dao động từ 5% đến 7%, trong đó nữ giới có khả năng mắc bệnh cao hơn gấp 6 lần nam giới. Thông thường u máu trong gan không phải khối u ác tính, đồng thời chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng chúng có thể phát triển thành ung thư.

Hầu hết các trường hợp u máu gan được phát hiện thông qua hình ảnh được dùng để chẩn đoán các căn bệnh khác. Điều đáng mừng là hiện không có bằng chứng cho thấy các khối u này có thể dẫn tới ung thư gan.

u mau

Vị trí khác

Không chỉ trên bề mặt da hay trong gan, khối u máu còn có thể xuất hiện tại các cơ quan khác bên trong cơ thể như: ruột, cột sống, cơ quan hô hấp, âm hộ, hầu họng,… Tùy thuộc vào vị trí xuất hiện, kích thước của khối u mà người bệnh có thể sẽ phải gặp một số nguy cơ như: lở loét, chảy máu, nứt khối u trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây bệnh u máu

Hiện nay, bệnh u máu vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Một số nghiên cứu y khoa cho rằng bệnh u máu ở trẻ sơ sinh được hình thành do có sự sai sót trong quá trình phát triển hệ thống mạch máu khi bào thai phát triển. Ngoài ra, một số trường hợp u máu được cho rằng có liên quan đến những bất thường trong di truyền (ví dụ, u máu thể hang trong bệnh von Hippel-Lindau).

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh có sự liên quan giữa yếu tố nghề nghiệp và bệnh u máu. Vì vậy, việc một người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, tia bức xạ có tạo nên nguy cơ bị u máu hay không vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Triệu chứng bệnh u máu

Bệnh u máu thường là những tổn thương không đau và khối u máu có màu đỏ hoặc xanh. Thông thường, khối u này bằng phẳng hoặc hơi gồ ghề trên da, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng chảy máu, viêm loét nếu có va đập trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, khối u máu phát triển trong xương có thể gây cảm giác đau và làm xương của người bệnh to ra. Đối với trường hợp u máu chứa huyết khối hoặc khối u xuất hiện ở gần bao gan gây chèn ép gan thì cơ thể người bệnh sẽ có các triệu chứng như: buồn nôn, nôn ói, nhanh no, đau bụng,…

u mau co mau gi

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần phải đến bệnh viện thăm khám ngay khi khối u máu gặp các vấn đề về nhiễm trùng như: mưng mủ, sốt cao, có hiện tượng giãn nở, bề mặt khối u bị loét, rỉ máu,…

Ngoài ra, các trường hợp sau đây cần đến bệnh viện để gặp trực tiếp bác sĩ:

  • Người bệnh đã đến lịch hẹn tái khám với bác sĩ.
  • Trẻ bị u máu không chịu uống thuốc điều trị (thuốc do bác sĩ kê đơn).
  • Phụ huynh đang lo lắng về tác dụng phụ của thuốc điều trị u máu.

Nếu trẻ em bị u máu được chỉ định dùng steroid đường uống thì không được tự ý ngưng thuốc hoặc tăng liều dùng đột ngột khi chưa có ý kiến từ bác sĩ.

Các giai đoạn của bệnh u máu

Xét về mặt hình thái, khối u máu được phân thành 3 loại bao gồm: u máu mao mạch (phổ biến, nổi đỏ trên da), u máu dạng hang (ít phổ biến, màu xanh dưới da), u máu hỗn hợp (nằm sâu dưới da, có thể là màu xanh hoặc màu đỏ).

Dù thuộc loại nào thì khối u máu thường sẽ có chung đặc điểm sinh lý và giai đoạn phát triển:

  • Giai đoạn tăng sinh: Ở giai đoạn này tình trạng khối u máu nông sẽ diễn ra từ 3 – 6 tháng và u máu sâu sẽ diễn ra từ 8 – 10 tháng.
  • Giai đoạn ổn định: Đây là giai đoạn khối u máu dần ổn định về kích thước và dấu hiệu lâm sàng. Giai đoạn này của khối u máu thường sẽ kéo dài từ 18 đến 20 tháng.
  • Giai đoạn thoái triển: Khi đến giai đoạn này, khối u máu sẽ bắt đầu nhạt màu dần sau đó sẽ xẹp đi. Đa phần khối u máu sẽ thoái triển sau khi trẻ được 5 tuổi.

Bệnh u máu có nguy hiểm không?

Đa phần bệnh u máu thường lành tính và cơ thể của trẻ sẽ phát triển bình thường, vì vậy phụ huynh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý những trường hợp u máu sau để có hướng xử lý phù hợp.

u mau da phan lanh tinh

Ví dụ, khối u máu có thể xuất hiện ở vùng mặt, cổ nên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể sẽ khiến trẻ trở nên tự ti. Việc phẫu thuật điều trị các khối u máu đã lớn có khả năng để lại sẹo hoặc mô mỡ thừa trên da. Khối u máu cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ hô hấp, tiêu hóa, tai, mắt,… Tình trạng khối u máu bị viêm loét, sưng tấy, tổn thương trong quá trình sinh hoạt hàng ngày cũng thường xuyên xảy ra, gây khó chịu cho người bệnh.

Ngoài ra, quá trình phát triển của khối u máu có thể làm biến dạng cấu trúc cơ quan của cơ thể, đặc biệt là khối u tại vị trí đầu mũi, môi, tai,… Ở một số trường hợp đặc biệt, tình trạng tăng lưu lượng máu do bệnh u máu trên da, u máu trong nội tạng (nhiều nhất là ở gan) gây nên có thể dẫn đến suy tim.

Khối u máu cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và sức khỏe của người bệnh điển hình như: xuất hiện ở mi mắt sẽ làm che khuất tầm nhìn, khối u ở lưỡi gây cản trở quá trình ăn uống, khối u hình thành tại đường hô hấp gây khó thở,….

Xem thêm:

Bí kíp làm đẹp: Các cách chăm sóc để có bàn tay đẹp

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất dinh dưỡng

Facebook: Dược phẩm 365

Youtube: Dược phẩm 365