Viêm họng là một trong những bệnh phổ biến nhất về chuyên khoa tai mũi họng ở nước ta. Một người có thể từng trải qua viêm họng nhiều lần trong đời. Trẻ em thường mắc viêm họng cấp tính, trong khi viêm họng mạn tính thường gặp ở người trưởng thành.
MỤC LỤC :
Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng cổ họng bị khô, ngứa, đau rát và thường gây ho, sốt do nhiễm trùng hoặc do các yếu tố môi trường như độ ẩm không khí kém gây ra. Dựa vào tình trạng viêm, bệnh này có thể được chia thành các loại viêm họng như sau:
- Viêm họng mạn tính: Là tình trạng viêm kéo dài và liên tục tái phát trong suốt cuộc đời. Viêm họng mãn tính có 4 thể bao gồm: Viêm họng sung huyết; Viêm họng xuất huyết; Viêm họng mạn tính quá phát; Viêm họng teo.
- Viêm họng cấp tính: Là tình trạng viêm chỉ kéo dài 1-2 tuần, thường do virus gây ra. Nếu tình trạng này không được điều trị dứt điểm có thể chuyển thành viêm họng mạn tính.
- Viêm họng hạt: Là tình trạng viêm họng mạn tính quá phát dẫn đến mô lympho ở thành sau họng tăng sinh phình to như các hạt đậu. Các mô lympho tăng sinh này bị mất chức năng miễn dịch nên rất dễ bị viêm nhiễm
Nguyên nhân viêm họng
Theo bác sĩ tai mũi họng, viêm họng có thể đến từ nhiều nguyên nhân nhưng ở nước ta, viêm họng thường do các nguyên nhân phổ biến sau:
Do virus
Theo thống kê, khoảng 90% số ca viêm họng là do virus gây ra. Virus gây viêm họng đến từ các bệnh phổ biến như cảm cúm, bệnh sởi, thủy đậu, quai bị, bạch cầu đơn nhân.
Do vi khuẩn
Khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn, người bị có thể xuất hiện các triệu chứng viêm họng. Viêm họng do vi khuẩn thường gặp nhất là viêm họng liên cầu khuẩn.
Do dị ứng
Hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như bụi, mạt nhà, phấn hoa, cỏ và lông thú cưng bằng cách tiết ra các chất gây ra các triệu chứng viêm họng như nghẹt mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, ngứa cổ họng…
Không khí
Số ca mắc viêm họng cao điểm vào mùa đông lạnh. Không khí khô và lạnh là nguyên nhân phổ biến khiến cổ họng bị khô, ngứa và ho.
Chất kích thích
Ngoài ô nhiễm không khí, các chất kích thích như thuốc lá hoặc các loại hóa chất như sản phẩm tẩy rửa cũng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng.
Tác động cơ học
Một số tác động gây ra tình trạng căng cơ kéo dài trong cổ họng như la hét, hát và nói to trong một thời gian dài, mắc dị vật hay va chạm mạnh vào vùng họng… cũng khiến vùng họng bị đau rát, dẫn đến viêm họng.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xuất hiện khi axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Việc axit làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua và trào ngược axit cũng làm ảnh hưởng đến vùng cổ họng, gây ra viêm họng.
Nhiễm HIV
Người nhiễm HIV thường có hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus tấn công qua vùng cổ họng, gây bệnh viêm họng.
Khối u
Các khối u ở vùng họng xuất hiện nhiều ngày không khỏi cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét họng.
Các triệu chứng của viêm họng
Triệu chứng viêm họng
Ngoài các triệu chứng đau cổ họng, khó nuốt, vướng đàm, cảm giác ngứa họng, ho, sốt, chán ăn thường thấy, viêm họng còn có các biểu hiệu khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh bao gồm:
Triệu chứng viêm họng cấp
Các triệu chứng thường gặp ở người bị viêm họng cấp tính bao gồm: sốt cao khoảng 38 – 39 °C, có lúc lên đến 40°C, mệt mỏi, ớn lạnh nhức đầu, kém ăn, đau mỏi toàn thân, nổi hạch góc hàm…
Ngoài ra, người bị viêm họng cấp có thể bị đau họng nhiều, nhất là khi nuốt dù là nuốt chất lỏng, đôi khi có cảm giác nhói ở tai nghe nuốt hoặc nói chuyện, ho theo từng cơn, chảy nước mũi, ngạt mũi, khàn tiếng, mất tiếng….
Triệu chứng viêm họng mạn tính
Hầu hết các triệu chứng viêm họng mạn tính thường kéo dài, bao gồm:
- Đau họng kéo dài kèm theo các biểu hiện như ngứa cổ, khô cổ, nóng rát, nuốt vướng, dễ gặp nhất là vào sáng sớm.
- Khó nuốt, đau cổ họng khi nuốt
- Ho có đờm hoặc ho khan
- Giọng nói thay đổi
- Vùng ngực phía sau xương ức bị nóng rát, ợ hơi, ợ chua (đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản)
Biến chứng
“Tỷ lệ ca viêm họng bị biến chứng cao do người bệnh chủ quan và chậm trễ trong việc điều trị hoặc tự điều trị tại nhà không đúng cách. Nhiều ca bệnh nhi viêm họng lâu ngày không được điều trị dứt điểm đã biến chứng thành viêm tai giữa, viêm phế quản gây ho dai dẳng, sốt cao, mệt mỏi, bỏ bú, bỏ ăn mới được gia đình đưa tới bệnh viện. Cũng nhiều người trưởng thành đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã chuyển thành mạn tính do viêm họng lâu ngày không được điều trị dứt điểm.
Việc điều trị các biến chứng này thường phức tạp, phải điều trị thuốc kháng sinh, kháng viêm dài ngày, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và gây tốn kém cho người bệnh”. – Bác sĩ tai mũi họng chia sẻ.
Ngoài ra, viêm họng do liên cầu còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác bao gồm:
- Viêm đường hô hấp: Viêm mũi, thanh quản, viêm VA, Amidan, viêm phổi
- Hoại tử vùng cổ: Hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở trẻ 1-2 tuổi
- Áp xe quanh amidan và sau thành họng
- Viêm xoang cấp tính
- Nhiễm độc liên cầu
Xem thêm:
Băng huyết sau sinh cần phải làm gì?
Bổ sung canxi có gây sỏi thận?
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365