Viêm gan B ở trẻ em cần lưu ý!

Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm có diễn biến và cách điều trị phức tạp. Việc trang bị cho mình những kiến thức hữu ích về viêm gan B ở trẻ em là một trong những điều cần thiết để các bậc phụ huynh bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách an toàn và hiệu quả.

Viêm gan B ở trẻ em là gì?

Viêm gan B ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh được chia làm hai loại:

  • Viêm gan B cấp tính: bệnh diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, dưới 6 tháng kể từ khi trẻ bị nhiễm virus. Bệnh thường sẽ tự khỏi sau khoảng 2-3 tháng mà không cần điều trị.
  • Viêm gan B mãn tính: Virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể của bệnh nhân trên 6 tháng, có thể gây bệnh cho trẻ suốt đời và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như ung thư ganviêm gan mạn tính, xơ gan,…

Đối với trẻ em, nguy cơ viêm gan B phát triển thành mãn tính cao hơn so với người lớn. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khi máu và chất dịch của mẹ có chứa virus truyền vào cơ thể, virus phát triển nhanh chóng và có thể dẫn đến viêm gan B mãn tính, hiện vẫn chưa có cách điều trị.

Ngoài ra, bệnh còn có thể chuyển biến thành các biến chứng nguy hiểm khác như xơ gan, ung thư gan,… Tỷ lệ viêm gan B ở trẻ em trong giai đoạn này lên đến 90%. Trẻ trên 5 tuổi khi nhiễm virus viêm gan B, nguy cơ phát triển thành các nhiễm trùng mãn tính sẽ giảm xuống còn 6-10%.

Viên gan b ở trẻ em

Nguyên nhân viêm gan B ở trẻ em

Virus viêm gan B có thể được lây lan từ người này qua người khác thông qua 1 trong 3 con đường: máu, tình dục hoặc từ mẹ sang con. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu gây viêm gan B cho trẻ là từ mẹ sang con. Tình trạng thường xảy ra ở các nước châu Á (trong đó có Việt Nam) do kiến thức về bệnh và tiêm phòng của người dân còn hạn chế.

Tại Việt Nam, việc tầm soát viêm gan B trước và trong khi mang thai chưa được thực hiện rộng rãi, vì vậy, nhiều trẻ vừa sinh ra đã mắc bệnh này do mẹ mắc bệnh. Tỷ lệ thai phụ mắc bệnh viêm gan B tại Việt Nam rất lớn, chiếm đến 10% tổng số thai phụ mỗi năm.

Theo nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B cho con sẽ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm mẹ mắc bệnh trong thai kỳ:

  • Nếu mẹ bị viêm gan B vào 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ con sinh ra mang mầm bệnh này chỉ khoảng 1%.
  • Nếu mẹ bị viêm gan B vào 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ con sinh ra mang mầm bệnh này khoảng 10%.
  • Nếu mẹ bị viêm gan B vào 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ con sinh ra mang mầm bệnh này khoảng 60-70%.

nguyen nhan gay viem gan b

Dấu hiệu viêm gan B ở trẻ em

Hầu hết trẻ bị nhiễm virus viêm gan B thường không xuất hiện triệu chứng bất thường. Trẻ vẫn có thể sinh hoạt, học tập và phát triển bình thường và chỉ xuất hiện các đợt viêm gan cấp khi virus gây bệnh gặp điều kiện thuận lợi để bùng phát (như khi trẻ bị nhiễm trùng nặng, sức khỏe bị suy giảm…).

Triệu chứng đặc trưng của viêm gan B là vàng da. Tuy nhiên, trước đó, trong các đợt viêm gan cấp, trẻ sẽ có các biểu hiện khá giống với cảm cúm thông thường, kéo dài trong khoảng 7-10 ngày, bao gồm:

  • Mệt mỏi, sốt;
  • Chảy nước mũi;
  • Chán ăn, buồn nôn, đầy bụng
  • Phân bạc màu (xuất hiện ở trẻ còn bú mẹ), tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Gan to, đau, tức vùng hạ sườn…

dau hieu cua viem gan b

Khi virus viêm gan B bắt đầu phát triển mạnh mẽ, tấn công vào gan, làm tổn thương gan và suy giảm các chức năng của gan, trẻ sẽ có biểu hiện vàng da. Lúc này, trẻ sẽ có các biểu hiện như:

  • Gan, lách to có biểu hiện rõ rệt hơn, gây đau, tức vùng hạ sườn phải;
  • Xuất hiện chấm, mảng xuất huyết dưới da;
  • Nước tiểu sẫm màu hơn, niêm mạc mắt vàng, da vàng;
  • Bụng trướng nhẹ, ăn kém, phân có dịch nhầy giống mỡ…

Các đợt viêm gan B cấp tính thường sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 tuần, sau đó các triệu chứng thuyên giảm và biến mất. Tuy nhiên, virus viêm gan B vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể tái phát bất cứ lúc nào. Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng vàng da do bệnh có thể bị nhầm lẫn với vàng da sinh lý khiến bé đối mặt với các biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xuất huyết não, suy gan,…

Cách điều trị viêm gan B ở trẻ em an toàn

Tùy thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nguyên tắc chung của các phương pháp điều trị này là vô hiệu hóa virus và giảm lượng virus trong máu, hạn chế tối đa mức độ tổn thương gan do virus gây ra. Từ đó, giúp bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện biến chứng xơ gan, ung thư gan ở trẻ.

Điều trị viêm gan B cấp tính

Đối với trẻ bị viêm gan B cấp tính, bác sĩ sẽ yêu cầu bé:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Mẹ nên bổ sung thêm nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đồng thời, mẹ nên tránh cho trẻ dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo, muối hay chất chuyển hóa qua gan để giảm áp lực cho gan.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể: Việc uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, giúp gan thải độc.

Sau đó, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe và sự thay đổi của các triệu chứng. Nếu tình trạng nhiễm trùng của bé vẫn không thuyên giảm sau 6 tháng, đây có thể là dấu hiệu gan bị tổn thương, trẻ có thể mắc viêm gan B mạn tính và bắt đầu thực hiện phương pháp điều trị khác.

tre bi viem gan b nen lam gi

Điều trị viêm gan B mãn tính

Bác sĩ sẽ chẩn đoán trẻ có bị viêm gan B mãn tính không thông qua thăm khám lâm sàng, các kết quả về các xét nghiệm ALT, AFP, HBeAg, anti-HBe và DNA HBV và xét nghiệm về các chức năng gan, tiểu cầu định kỳ.

Chỉ số men gan (ALT) trong huyết thanh biểu thị mức độ tổn thương, hoại tử của các tế bào gan. Nếu tỷ lệ AST trên ALT tăng, đây là dấu hiệu của chứng xơ hóa đang dần trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ cần được điều trị sớm, nhất là khi chỉ số AST lớn hơn ALT.

Để điều trị viêm gan B mãn tính ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định bé dùng một số loại thuốc để ức chế hoạt động của virus, ngăn ngừa suy gan

Nhìn chung, thuốc kháng virus thường ít gây ra tác dụng phụ hơn thuốc interferon. Khi sử dụng thuốc interferon, trẻ có thể xuất hiện các phản ứng do tác dụng phụ của thuốc như: buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, có các biểu hiện tương tự như cảm cúm, rụng tóc,…

Trong một số trường hợp, viêm gan B ở trẻ em tiến triển nhanh chóng khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của trẻ, bác sĩ có thể yêu cầu ghép gan cho trẻ.

Ngoài ra, nếu nằm trong các trường hợp dưới đây, bé sẽ cần điều trị lâu dài vì có nguy cơ xuất hiện các biến chứng cao, gồm:

  • Các chức năng gan bị suy giảm nhanh chóng;
  • Trẻ bị xơ gan;
  • Viêm cầu thận do HBV;
  • Trẻ bị tái nhiễm viêm gan B sau khi đã được ghép gan;
  • Gia đình có tiền sử ung thư gan;
  • Thai phụ có nồng độ virus viêm gan B cao (trên 20.000.000 IU/ml)trong tam cá nguyệt thứ 3;
  • Có sự hiện diện của virus (HBV/HIV, HBV/HCV, HBV/HDV)…

Cách phòng tránh viêm gan B ở trẻ em

Hiện nay, bệnh viêm gan B vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm, do đó, việc chủ động phòng ngừa viêm gan B có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên được tiêm đủ các mũi vacxin viêm gan B ngay sau sinh, tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh.

Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, cần được tiêm thêm 1 mũi huyết thanh kháng viêm gan B HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) ngay trong vòng 12 -24 giờ đầu sau sinh để tạo miễn dịch thụ động và một mũi vacxin viêm gan B tái tổ hợp để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ.

Khi trẻ được 15-18 tháng tuổi cần được xét nghiệm kiểm tra HBsAg và antiHBs lại để chắc chắc là trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ

Xem thêm:

Bí kíp làm đẹp: Các cách chăm sóc để có bàn tay đẹp

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất dinh dưỡng

Facebook: Dược phẩm 365

Youtube: Dược phẩm 365