Tại sao nên tầm soát đột quỵ?

Tầm soát đột quỵ là tìm kiếm, phát hiện và chẩn đoán các tổn thương, bệnh lý và các yếu tố nguy cơ có thể gây ra cơn đột quỵ trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng khi tầm soát nguy cơ đột quỵ.

TẠI SAO CẦN TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ?

Đột quỵ là một sự kiện làm gián đoạn lưu lượng máu đến một phần của não. Khi điều này xảy ra, nó buộc các tế bào não thiếu oxy và chất dinh dưỡng, do đó có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn, ngăn cản chức năng thích hợp và cuối cùng dẫn đến tàn tật hoặc tử vong. Phát hiện sớm đột quỵ là rất quan trọng để ngăn ngừa thiệt hại thêm nếu một cá nhân được điều trị kịp thời.

Đột quỵ có hai loại chính là đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết. Đột quỵ thiếu máu cục bộ (hay còn gọi là đột quỵ nhồi máu não) chiếm đa số các trường hợp đột quỵ, xảy ra khi cục máu đông hoặc các mảng xơ vữa cắt đứt dòng máu lên não. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu tràn ra khu vực xung quanh gây tổn thương.

Ngoài ra, tình trạng TIA – cơn thiếu máu não thoáng qua, tương tự như đột quỵ nhồi máu não, nhưng nó chỉ là cơn tắc nghẽn tạm thời và hồi phục trong 24 giờ.

Đột quỵ đứng đầu về nguyên nhân gây tàn tật, đứng thứ ba về nguyên nhân tử vong sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Tỷ lệ mắc đột quỵ và tỷ lệ tử vong do đột quỵ ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, nhờ nâng cao hiểu biết cho cộng đồng cùng với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y khoa, đột quỵ có thể dự phòng được. Để đề phòng đột quỵ, các chuyên gia khuyến khích mọi người, đặc biệt là người trên 45 tuổi, nên tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ.

tại sao nên tầm soát đột quỵ

Một nghiên cứu gần đây từ khoảng năm 2011 đã kết luận rằng việc tầm soát đột quỵ thường xuyên có thể giảm 50% nguy cơ đột quỵ của một cá nhân. Quyền lợi này đi kèm với việc chi khoảng $600 cho các lần khám sàng lọc với chi phí cho mỗi người là $10 mỗi năm.

Bằng cách xác định sớm các yếu tố rủi ro gây nên đột quỵ, tầm soát đột quỵ có thể cứu mạng sống bằng cách giúp xác định những người có nguy cơ mắc bệnh và cung cấp cho họ những nguồn lực cần thiết để giảm khả năng bị đột quỵ.

Sau khi tầm soát đột quỵ, bạn sẽ được các bác sĩ chuyên khoa đưa ra các lời khuyên, phương pháp điều trị để có thể thay đổi được các yếu tố nguy cơ này và lên kế hoạch theo dõi để có thể hạn chế tối đa những nguy cơ của bạn có thể dẫn đến đột quỵ.

TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ KHÁM NHỮNG GÌ?

Đầu tiên, bạn sẽ được đánh giá chỉ số khối cơ thể (BMI = kg/m2), đo huyết áp và lắng nghe nhịp tim bằng ống nghe để đánh giá sơ bộ xem bạn có bị thừa cân, bị tăng huyết áp hoặc nhịp tim bất thường hay không.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những yếu tố nguy cơ mà bạn đang có. Nếu bạn bị đột quỵ không lâu trước đó, bạn có thể cần kiểm tra khả năng giữ thăng bằng, sự phối hợp, yếu cơ, tê ở cánh tay, mặt hoặc chân và vấn đề tầm nhìn.

Tiếp theo, bạn sẽ được lấy máu để xét nghiệm công thức máu toàn phần và xét nghiệm sinh hóa máu để kiểm tra các tình trạng:

– Bất thường trong tế bào máu

– Tình trạng thiếu máu và nhiễm trùng

– Bất thường về hồng cầu

– Rối loạn đông máu

– Men gan cao và các tổn thương gan

– Độ lọc cầu thận và tình trạng suy thận

– Lượng đường trong máu

– Cholesterol toàn phần, chỉ số HDL và LDL

xet nghiem mau

Cuối cùng, các chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cận lâm sàng sẽ giúp đánh giá chuyên sâu các vấn đề tim mạch, mạch não và các bệnh lý về não. Các kỹ thuật bao gồm:

+ Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ não và mạch máu não là phương pháp đặc biệt có giá trị trong tầm soát đột quỵ não. Với độ tương phản và phân giải cao, MRI cho ra hình ảnh chụp chi tiết não và mạch não một cách rõ nét, giúp phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau xương sọ mà các phương pháp khác khó có thể chụp được và ít ảnh hưởng đến sức khỏe.

+Soi đáy mắt trực tiếp: Giúp đánh giá tổn thương đáy mắt do bệnh lý mạch máu của tăng huyết áp và đái tháo đường, kiểm tra vấn đề về tầm nhìn.

+ Điện tim thường (ECG): ECG ghi lại hoạt động điện trong tim, đo số nhịp tim và ghi lại nhịp đập của tim. Nó có thể xác định xem bạn có bất kỳ bệnh tim nào có thể dẫn đến đột quỵ không, ví dụ như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim…

Điện tim để kiểm tra dấu hiệu bất thường

+ Chụp X-quang Ngực thẳng số hóa 1 phim: X-quang là kỹ thuật chụp lại hình ảnh của tim, phổi và đường thở bằng tia X để tìm kiếm các bất thường ở vùng lồng ngực và tim mạch.

+ Siêu âm bụng tổng quát (màu): Siêu âm phát hiện một số hình ảnh bất thường của các tạng trong ổ bụng như gan mật, tụy, lách, thận, tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến…

+ Siêu âm Doppler tim: Siêu âm doppler tim để phát hiện một số bất thường ở buồng tim, các bệnh lý van tim bẩm sinh và bệnh lý mạch vành. Nó cũng có thể tìm thấy cục máu đông trong tim trước khi chúng di chuyển đến não và gây ra đột quỵ.

sieu am doppler tim

Qua đó, bạn sẽ được xác định các cơn đột quỵ thầm lặng mà không có biểu hiện triệu chứng trước đây, các tổn thương não khác như u não, áp xe não, bất thường bẩm sinh của nhu mô não và các bệnh lý về mạch máu não bao gồm: dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não và các đoạn tắc nghẽn của mạch máu não.

AI NÊN TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ?

Vì mức độ nguy hiểm và tình trạng trẻ hóa của các bệnh lý có thể gây ra đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo tất cả mọi người trên 15 tuổi đều nên tầm soát đột quỵ.

Tần suất tầm soát đột quỵ sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và yếu tố nguy cơ của mỗi người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị đột quỵ càng cao. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ được xem là biện pháp phòng ngừa đột quỵ tốt nhất hiện nay.

Các yếu tố dẫn đột quỵ bao gồm các yếu tố có thể thay đổi được và không thay đổi được. Việc tầm soát đột quỵ định kỳ sẽ giúp cho bạn xác định được những yếu tố có thể dẫn đến đột quỵ trong tương lai.

Các yếu tố bệnh lý có nguy cơ gây đột quỵ là:

– Huyết áp cao

– Tăng cholesterol trong máu

– Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)

– Bệnh tim: Rung nhĩ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, hẹp van hai lá, buồng tim mở rộng và rối loạn nhịp tim

– Hẹp động mạch cảnh

– Phình động mạch hoặc dị dạng mạch máu

– Chứng ngưng thở lúc ngủ

– Đau nửa đầu Migraine

– Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)

– Béo phì

+ Các yếu tố lối sống có thể dẫn đến các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm:

– Uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng ma túy và lạm dụng các chất kích thích khác

– Ít hoặc lười vận động, chế độ ăn nhiều muối, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

beo phi tang nguy co dot quy

+ Ngoài các yếu tố có thể thay đổi và can thiệp ở trên, một số yếu tố không thể tác động, có thể liên quan đến đột quỵ là:

– Lịch sử gia đình có người bị huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường, các vấn đề tim mạch khác và đột quỵ.

– Nam giới có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn nữ giới ở mọi lứa tuổi (tỷ lệ 2,2:1), tuy nhiên nữ giới có tỷ lệ tử vong cao hơn.

– Tuổi càng lớn, nguy cơ đột quỵ càng cao.

– Người da trắng có ít nguy cơ đột quỵ hơn người da vàng, người da đen có tỷ lệ đột quỵ cao nhất.

– Cư dân châu Á bị đột quỵ nhiều hơn khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ, dân thành phố bị đột quỵ nhiều hơn ở nông thôn.

Bằng cách tầm soát đột quỵ, đánh giá, lên kế hoạch thay đổi, kiểm soát và cải thiện các yếu tố nguy cơ tỷ lệ đột quỵ có thể được giảm bớt. Tầm soát đột quỵ nên được thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ, từng bị một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đã từng bị đột quỵ trước đó.

Xem thêm:

Hãy đến gặp chuyên gia tâm lý nếu bạn có những dấu hiệu sau

Ung thư gan: Những điều nên biết

Facebook: Dược phẩm 365

Youtube: Dược phẩm 365