Các dấu hiệu thủng màng nhĩ

Thính giác là một trong 5 giác quan, có vai trò rất quan trọng trong các tương tác giữa con người và thế giới xung quanh. Trong đó, màng nhĩ chính là mắt xích không thể thiếu của giác quan này nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Vậy các dấu hiệu thủng màng nhĩ là gì?

thủng màng nhĩ

Đặc điểm giải phẫu và sinh lý của màng nhĩ

– Màng nhĩ là một màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa, hình elip, bán trong suốt và hơi lõm vào trong, được cấu tạo bởi mô tương tự như da.

– Màng nhĩ cao khoảng 9mm, rộng khoảng 8mm và dày khoảng 0.1mm. Phần trước dưới hơi nghiêng vào trong tạo với trục ống tai ngoài một góc khoảng 45-500. Cấu tạo màng nhĩ gồm 3 lớp, lớp thượng bì ở ngoài, lớp tổ chức sợi ở giữa và lớp niêm mạc ở trong. Ngoài ra, các vòng sợi phụ xung quanh sẽ tạo thành gờ liềm quanh màng nhĩ.

– Chức năng chính của màng này là tiếp nhận sóng âm từ bên ngoài vào, sau đó tạo rung động rồi dẫn truyền nó qua một chuỗi xương con để đến với tế bào cảm nhận âm thanh ở tai trong. Qua đó các rung động cơ học sẽ được trở thành xung điện truyền lên não bộ.

– Ngoài ra, màng nhĩ còn giúp bảo vệ tai giữa bằng cách ngăn chặn vi khuẩn và các vật thể lạ bên ngoài. Thông thường, tai giữa là vô trùng nhưng khi màng nhĩ bị thủng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào tai giữa, gây nhiễm trùng. Để làm tốt các chức năng dẫn truyền này, màng nhĩ phải luôn luôn nguyên vẹn, giữ được độ đàn hồi với độ mỏng cần thiết.

Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ là gì?

Thủng màng nhĩ
Hình ảnh màng nhĩ bình thường và màng nhĩ bị thủng

Viêm tai giữa

Do viêm nhiễm từ các vùng lân cận như mũi họng, gây hiện tượng tụ dịch mủ trong hòm nhĩ, áp lực từ việc này làm rách màng nhĩ từ trong ra.

Chấn thương trực tiếp

Các vết thương do vật nhọn đâm vào, thường gặp nhất là không cẩn thận trong khi lấy ráy tai và để dụng cụ đâm trực tiếp vào màng nhĩ.

Chấn thương gián tiếp

Khi có sự mất cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài sẽ tác động quá mạnh lên màng nhĩ và gây thủng màng này. Các trường hợp hay xảy ra là bị người khác tát tai quá mạnh, đi máy bay hoặc do bom mìn, lặn quá sâu…

Chấn thương đầu nặng

Chấn thương đầu nghiêm trọng như vỡ xương sọ có thể gây hại đến cấu trúc tai giữa và tai trong, bao gồm cả màng nhĩ.

Dấu hiệu thủng màng nhĩ là gì?

– Thủng màng nhĩ đột ngột thì dấu hiệu đầu tiên là cảm giác đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn và có thể dẫn đến mất thính lực (điếc tai).

– Nếu chỉ rách màng nhĩ đơn thuần thì có thể gây điếc nhẹ hoặc giảm khả năng nghe, nếu tổn thương sâu đến tai trong thì mức độ điếc nặng hơn.

– Trong đó, nếu thủng màng nhĩ nguyên nhân do viêm tai giữa cấp thì trước đó sẽ có triệu chứng nhiễm trùng như sốt, ăn uống kém kèm đau nhức trong tai, ù tai hoặc nghe kém. Khi màng nhĩ thủng, mủ thoát ra được ngoài ống tai thì các triệu chứng sẽ thuyên giảm đi.

thủng màng nhĩ
Ù tai hoặc nghe kém do viêm tai giữa cấp có thể dẫn đến thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ có nguy hiểm không?

Thủng màng nhĩ nếu do nhiễm trùng lâu ngày sẽ gây viêm xương chũm làm giảm khả năng nghe nghiêm trọng và có thể gây ra những biến chứng nặng hơn do ổ nhiễm trùng lan toả vào các vùng cận kề như: viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch hoặc liệt mặt…

Điều trị thủng màng nhĩ như thế nào?

– Thủng màng nhĩ có thể không cần phải điều trị vì màng nhĩ thường tự lành trong vài tuần hoặc vài tháng trong điều kiện tai được giữ khô và không bị vi khuẩn tấn công.

– Nếu bạn bị đau nhức hay khó chịu thì có thể dùng thuốc giảm triệu chứng đau bằng paracetamol hoặc ibuprofen. Bạn cũng có thể giảm đau ở tai bằng cách đặt một miếng vải ấm vào bên tai bị thủng.

– Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu màng nhĩ bị thủng là do nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng trong thời gian hồi phục. Nếu thủng màng nhĩ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thính lực nhiều thì việc điều trị chủ yếu là vá màng nhĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Đề phòng thủng màng nhĩ như thế nào?

  • Cảnh giác và cẩn thận khi ngoáy tai bằng những vật nhọn, tuyệt đối không tự ý ngoáy tai hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ bằng kim loại;
  • Tích cực điều trị khi mắc các bệnh về mũi họng vì có thể dẫn đến viêm tai giữa và gây thủng màng nhĩ;
  • Khi đi bơi hoặc tắm vòi sen, làm việc hoặc sinh sống ở nơi ồn ào, hãy bảo vệ tai bằng nút chặn tai hoặc dùng mũ che tai khi cần thiết;
  • Giữ cho tai khô nếu bị bất kì tổn thương nào để tránh nhiễm trùng và rách màng nhĩ.

Tham khảo thêm:

Vì sao bạn bị viêm môi cơ địa?

Bệnh viêm tai ngoài có nguy hiểm không?

Dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

anh facebook x 300x200 1