Bí kíp: Cách giảm cơn đau bụng kinh nguyệt

Kinh nguyệt xảy ra khoảng 28 ngày một lần giữa tuổi dậy thì và mãn kinh, ngoại trừ khi mang thai và xảy ra khi tử cung bong tróc niêm mạc mỗi tháng một lần. Đau bụng kinh thường là biểu hiện cơn đau âm ỉ, đau nhói và đau quặn ở vùng bụng dưới, ngay trên xương chậu do các cơn co thắt trong tử cung được kích hoạt bởi sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.

Đau bụng kinh là gì ?

Trong một chu kỳ kinh nguyệt sẽ có giai đoạn lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho quá trình trứng sau khi thụ tinh sẽ di chuyển từ ống dẫn trứng về tử cung để “làm tổ” và phát triển thành thai nhi. Tuy nhiên, nếu quá trình thụ tinh không diễn ra lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra. Thành tử cung sẽ bắt đầu co bóp mạnh để “tống xuất” lớp niêm mạc, mô ra khỏi cơ thể cùng với một ít máu.

Khi quá trình bong lớp niêm mạc diễn ra trong ngày hành kinh, các cơ và mạch máu trong tử cung sẽ co lại. Điều này sẽ tạm thời làm cắt giảm nguồn cung cấp máu và oxy đến tử cung. Nếu không có đủ oxy, các mô trong tử cung sẽ tiết các chất hóa học gây ra cơn đau. Đồng thời, cơ thể cũng sản xuất ra chất gọi là prostaglandin khiến các cơ tử cung co bóp nhiều hơn. Từ đó có thể khiến cơn đau bụng kinh của bạn diễn ra dữ dội hơn.

Như vậy đau bụng kinh là tình trạng đau được gây nên do hệ thống cơ tử cung co bóp mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng đau có thể xuất hiện trước khi đến kỳ kinh và kéo dài từ 1 cho đến 3 ngày kể từ khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện.

Đau bụng kinh là gì

Một số cơn đau, co thắt và khó chịu trong kỳ kinh nguyệt là bình thường. Những người có chu kỳ không đều hoặc ra máu nhiều có nhiều khả năng bị co thắt trong kỳ kinh nghiêm trọng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau ở lưng dưới và đùi
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Tiêu chảy hoặc phân lỏng
  • Nhức đầu

Phân loại đau bụng kinh

Đau bụng kinh được chia làm 2 loại chính là: Đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.

Đau bụng kinh nguyên phát hay còn gọi là đau bụng kinh vô căn

Loại đau này thường gặp ở những đối tượng là người trẻ tuổi, mới có kinh nguyệt, chưa lập gia đình và chưa có con, đa số đều là những người phụ nữ dưới 25 tuổi. Người bệnh không có các bệnh lý gì về cơ quan sinh dục, các cơn đau xuất hiện là do cơ tử cung co bóp để tạo lực đẩy niêm mạc tử cung đang bong ra bên ngoài. Cơn đau có thể xuất hiện trước khi hành kinh 1 ngày, và kéo dài 2 đến 3 ngày. Sau khi hết kinh người bệnh sẽ trở lại bình thường và không còn cảm giác đau nữa.

Đau bụng kinh nguyên phát thường xuất hiện sau 1 đến 2 năm hành kinh, và tình trạng này sẽ giảm hoặc mất hẳn sau khi họ kết hôn và sinh con hoặc khi tình trạng kinh nguyệt ổn định.

Đau bụng kinh thứ phát

Trong trường hợp này, các cơ quan sinh dục của người bệnh có nhiều sự thay đổi, người bệnh có thể bị mắc một số bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, cổ tử cung hẹp, dính khoang tử cung,… Đau bụng kinh thứ phát thường xuất hiện sớm và có thể kéo dài đến khi đã hết thời gian hành kinh. Và thỉnh thoảng cũng sẽ có xuất hiện các cơn đau không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Trên thực tế rất khó để phân biệt được hai loại đau bụng hành kinh này. Nhiều người giai đoạn ban đầu gặp tình trạng đau bụng là do nguyên phát, nhưng sau đó có thể chuyển thành đau bụng thứ phát khi cơ thể xuất hiện bệnh lý nào đó. Tuy nhiên việc phân loại 2 dạng này là rất cần thiết vì sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán và điều trị đúng cách cho bệnh nhân.

Các cách giảm cơn đau bụng kinh

Áp dụng nhiệt để chườm ấm bụng dưới

Đặt một chiếc túi chườm nóng lên bụng để giúp giảm đau bụng kinh. Đau bụng kinh cũng có thể ảnh hưởng đến vùng lưng dưới vì vậy nên thử chườm nóng vùng lưng dưới để làm dịu các cơn đau nhức. Ngoài ra, tắm nước ấm trong “ngày đèn đỏ” cũng là giải pháp thư giãn và giảm đau hiệu quả.

su dung tui chuom nong

Massage

Massage nhẹ nhàng bụng và vùng lưng có thể giúp giảm đau và giảm căng thẳng.

massage nhẹ nhàng vùng bụng và lưng

Tập thể dục

Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ hoặc tập yoga có thể giúp giảm đau bụng kinh và giảm căng thẳng. Kéo giãn nhẹ nhàng vùng lưng dưới hoặc cơ bụng giúp giảm đau bụng kinh và cải thiện lưu lượng máu khắp cơ thể. Di chuyển cơ thể giúp bạch huyết (chất lỏng dư thừa trong cơ thể) lưu thông và có thể làm giảm đầy hơi. Ngoài ra, tập thể dục có thể cải thiện tâm trạng. Điều này là do tập thể dục giải phóng endorphin (chất giảm đau tự nhiên), có thể giúp giảm cảm giác đau, chống lại sự mệt mỏi và kiệt sức liên quan đến kỳ kinh.

Nếu bị buồn nôn hoặc chóng mặt khi kinh nguyệt ra nhiều, tốt nhất nên tập thể dục ở cường độ thấp hơn. Các bài tập thể thao giảm căng thẳng như yoga hoặc hơi thở sâu.

Uống nước ấm

Uống nước ấm có thể giúp giảm đau bụng kinh bằng cách thư giãn các cơ bụng. Uống nước giúp giảm đầy hơi trong kỳ kinh nguyệt và giảm bớt một số cơn đau. Đặc biệt hơn, nước nóng có thể làm tăng lưu lượng máu và thư giãn cơ bắp.

uong nuoc am

Ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống lành mạnh và tránh những thực phẩm có chứa caffeine hoặc đồ uống có cồn trong khoảng thời gian này.

Sử dụng thuốc giảm đau

Nếu đau bụng kinh rất nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Mặc dù đau bụng kinh có thể chỉ là vấn đề bình thường xuất hiện vào mỗi kỳ kinh nguyệt, nhưng một số trường hợp vẫn có thể liên quan đến bệnh lý mà bạn không thể tự xử lý tại nhà. Vì vậy, nếu đau bụng kinh dữ dội và có thêm các triệu chứng bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám.

su dung thuoc giam dau

Xem thêm:

5 thực phẩm giúp lọc sạch phổi, đẩy ung thư tránh xa

Top 9 thực phẩm đầu bảng về canxi

Facebook: Dược phẩm 365

Youtube: Dược phẩm 365