Bệnh nấm da ở trẻ em do dermatophyte (vi nấm sợi tơ) là một bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh nấm da cũng có thể gặp ở người lớn. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và cách chăm sóc sẽ là điều cần thiết để có thể đem lại làn da khỏe mạnh cho trẻ.
Nhận biết bệnh nấm da ở trẻ em
Bệnh nấm da ở trẻ em là tình trạng da bị nhiễm một loại vi nấm sợi ngoài da (dermatophyte) bám trên tế bào sừng của lớp da, tóc, móng hay cả trên da đầu. Bệnh nấm da ở trẻ em thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi, tuy nhiên bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ vài tháng tuổi.
Bệnh có dấu hiệu ban đầu là mảng đỏ da, có mụn nước, vảy da và ngứa vừa phải hay không ngứa.
Đặc biệt, đối với nhiễm nấm da trên da đầu thường bắt nguồn bằng các mảng bong vảy trắng kèm theo các sợi tóc gãy cách da đầu 1 – 2 cm hay gãy sát da đầu.
Đôi khi các sẩn hồng ban liên kết thành mảng hồng ban mụn mủ, rỉ dịch viêm, vùng da gờ cao lên và xu hướng lan rộng kèm rụng tóc, trẻ sờ lên đầu sẽ thấy đau, đôi khi kèm sưng hạch. Vùng da đầu bị nấm ít ngứa và đóng vảy tiết nhiều.
Cách chẩn đoán và điều trị bệnh nấm da ở trẻ em
Khi da trẻ có các dấu hiệu hồng ban hình tròn hoặc hình cung, bờ gờ giới hạn rõ có nhiều mụn nước có thể kèm theo vảy, trung tâm có xu hướng lành, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu.
Thời gian điều trị của nấm da trẻ em thay đổi tuỳ theo vị trí mắc bệnh. Đối với các vùng da nhẵn, đa số chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ trong vòng 2 đến 4 tuần. Riêng đối với nấm da đầu là loại khó điều trị cần phối hợp giữa thuốc thoa và thuốc uống trong thời gian từ 4 – 8 tuần hay dài hơn nữa.
Cha mẹ hãy bôi một lượng kem vừa đủ lên vùng da bị nấm cho trẻ, nên bôi rộng ra ngoài rìa từ 2 – 3 cm, bôi 2 lần một ngày. Sau khi vùng da mẫn đỏ khỏi hẳn vẫn tiếp tục bôi thuốc cho trẻ một tuần đến hai tuần sau.
Cách phòng ngừa bệnh nấm da ở trẻ em
- Giữ cho cơ thể trẻ sạch sẽ và khô ráo, đừng quên các kẽ ngón tay chân và nếp gấp da
- Mang dép cho trẻ khi ở phòng thay quần áo hay nhà tắm công cộng, thậm chí là mang trong nhà.
- Thay tất và đồ lót cho trẻ khi bị dơ hoặc ra nhiều mồ hôi
- Không cho trẻ dùng chung quần áo hay khăn tắm với người khác.
- Giữ sạch sẽ và thường xuyên giặt tẩy đồ chơi, quần áo và các vật dụng cá nhân của trẻ như lược, khăn tắm, chăn mền, ga trải giường…
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
- Cắt móng tay cho trẻ, để tránh trẻ cào gãi làm nặng tổn thương da và lây nhiễm bệnh đến các vùng da khác.
- Cho trẻ rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với thú cưng vì hiện nay bệnh nấm da lây từ chó mèo sang người khá phổ biến.
- Nếu trong gia đình có thành viên bị nấm, cần điều trị ngay lập tức và vệ sinh riêng đồ dùng của người bệnh.
Tham khảo thêm:
Sốt ở trẻ em và những điều cần biết
Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em
Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ