Xu hướng sử dụng phomai (phô mai) ngày càng phổ biến trong chế độ ăn uống của các gia đình Việt. Tuy nhiên nhiều người chưa hiểu rõ hết giá trị dinh dưỡng của phô mai với sức khỏe.
MỤC LỤC :
Phomai được sản xuất như thế nào?
Trên thị trường có rất nhiều loại phomai, chúng có thể có kết cấu và hương vị riêng biệt, nhưng tất cả các loại phô mai này đều có cùng một thành phần chính là sữa. Một số loại sữa phổ biến được sử dụng trong sản xuất phô mai bao gồm:
Sữa bò: Hầu hết các loại phô mai được làm bằng sữa bò vì nó phổ biến và cung cấp lượng chất béo và protein tối ưu.
Sữa dê: Sữa dê cũng thường được sử dụng để làm một số loại phô mai thơm ngon, có hương vị đặc trưng.
Ngoài ra phô mai cũng có thể sản xuất bằng nguyên liệu sữa cừu, sữa trâu, sữa lạc đà, sữa ngựa…
Sữa và chất làm đông là thành phần chính của phô mai và có thể có thêm muối, nước muối, thảo mộc, gia vị, thậm chí cả rượu vang…
Quy trình sản xuất bắt đầu bằng việc thanh trùng sữa nhờ kỹ thuật xử lý nhiệt nhằm giảm thiểu lượng vi khuẩn gây hại đối với cơ thể chúng ta. Loại phô mai mang nhãn hiệu PDO (Protected Designation of Origin – tên nguồn gốc được bảo vệ) có thể kể đến phô mai Parmigiano Reggiano nổi tiếng, là loại dùng sữa nguyên chất thay vì sữa tiệt trùng và sau đó được bổ sung enzym sữa.
Sữa không nên quá “sạch” về mật độ vi khuẩn, nếu không sữa sẽ phải được ủ chín để thúc đẩy quá trình lên men. Trước khi sản xuất phô mai, chất béo trong sữa thường được đẩy lên bề mặt. Ngay sau đó, sữa được đổ vào các thùng chứa khác nhau tùy thuộc vào loại phô mai, nhưng loại phổ biến nhất là thùng đồng. Một số loại phô mai chín mềm, có xử lý muối hay để rêu xanh như Gorgonzola cần được ghép mầm mốc, thường là biến thể của chi nấm penicillium.
Phomai giàu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi
Phomai là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là protein chất lượng cao. Phô mai chứa nhiều vitamin như vitamin C, B6, B12, A, D, E, K. Các loại vitamin khác như thiamin, riboflavin, niacin cũng được tìm thấy trong các loại phô mai.
Phô mai cũng là nguồn cung cấp các khoáng chất quan trọng như: natri, kẽm, phốt pho, kali, sắt, đặc biệt là hàm lượng canxi rất cao.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, phô mai là chế phẩm từ sữa nên có đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng của sữa. Phô mai có nguồn gốc từ sữa, nó được cô đặc nên có hàm lượng đạm, chất béo, đặc biệt hàm lượng canxi rất cao. Hàm lượng canxi trong phô mai cao gấp 3-7 lần sữa, sữa chua.
Phomai có rất ít hoặc không có đường lactose, có thể sử dụng cho những người không dung nạp đường lactose. Phô mai chứa thành phần chủ yếu là casein, loại protein giúp dễ tiêu hóa.
Nếu bạn không dung nạp đường lactose, cảm thấy khó tiêu khi uống nhiều sữa có thể giảm sữa và tăng cường bằng phô mai vẫn đáp ứng đủ nhu cầu canxi.
Lợi ích sức khỏe của phomai
Cải thiện sức khỏe của xương, răng
Phomai có hàm lượng canxi rất cao, đây là khoáng chất đầu tiên và quan trọng nhất để có hệ xương và hàm răng chắc khỏe. Hơn nữa, nó rất ít hàm lượng đường sữa. Điều này cũng có lợi cho răng vì bất kỳ dạng đường nào (glucose, maltose hoặc lactose) trong thực phẩm đều có thể gây hại cho răng.
Ngoài hàm lượng canxi rất cao, phô mai còn giàu vitamin B rất tốt cho trẻ em, phụ nữ (đặc biệt là khi mang thai hoặc cho con bú) và người cao tuổi, giúp hình thành và củng cố xương, sụn. Vitamin B trong phô mai hỗ trợ quá trình hấp thụ và phân phối canxi thích hợp.
Thực phẩm tốt cho người bị loãng xương
Loãng xương chủ yếu là do thiếu canxi (không hấp thu được) dẫn đến giảm mật độ khoáng của xương. Điều này dễ xảy ra ở những phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh, người già và trẻ em bị suy dinh dưỡng. Chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin có thể cải thiện được tình trạng này. Canxi và vitamin có nhiều trong phô mai. Do đó, nó có thể là một phần lý tưởng trong chế độ ăn uống dành cho những người bị loãng xương.
Thúc đẩy tăng cân
Phô mai là một thực phẩm tuyệt vời giúp bạn có thể tăng cân. Nó chứa đầy đủ protein, chất béo, canxi, vitamin và khoáng chất. Chúng ta cần protein để hình thành và phát triển cơ bắp, chất béo cho các quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể, canxi để xương chắc khỏe hơn cũng như vitamin và khoáng chất để cải thiện chức năng trao đổi chất. Do đó nếu muốn tăng cân, bạn có thể ăn nhiều phô mai hơn, tập thể dục và ngủ đủ giấc.
Các lợi ích khác
Phomai chứa axit linoleic liên hợp và sphingolipids có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh. Nó chứa rất nhiều vitamin B phát triển trong quá trình lên men. Vitamin B rất tốt cho việc duy trì nhiều chức năng trong cơ thể và cũng để bảo vệ chống lại các bệnh như Beriberi. Nó cũng giúp tăng cường tạo máu, tăng cường gan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Cách lựa chọn và bảo quản phomai
Có rất nhiều loại phô mai được sản xuất, mỗi loại có độ cứng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng cũng có thời hạn sử dụng khác nhau, quan trọng nhất là bạn phải biết phân biệt từng loại và bảo quản chúng đúng cách. Nếu để quá lâu phô mai sẽ mất đi mùi vị và chất dinh dưỡng.
Một số loại như phomai tươi không có chất bảo quản phải được sử dụng trong vòng vài ngày sau khi mua vì chúng dễ bị hỏng. Đối với loại phô mai này, tốt nhất cần để trong bao bì đóng gói kín và cho vào ngăn mát của tủ lạnh giữ được trong 4 – 10 ngày.
Trước khi ăn hoặc sử dụng phô mai, hãy giữ phô mai ở nhiệt độ bình thường để có hương vị và kết cấu tốt hơn. Một số loại phô mai sau khi mở phải sử dụng ngay nếu không sẽ khiến phô mai bị hỏng khi tiếp xúc với không khí.
Thông thường phomai cứng có thể để được lâu hơn so với các loại phô mai mềm vì chúng được làm khô hơn nhiều so với các loại phô mai mềm khác. Các loại phomai này nên được bảo quản ở khoảng 6 độ C là nhiệt độ tốt nhất.
Trước khi bảo quản, nên bọc phô mai chặt bằng giấy dành riêng để gói phô mai hoặc giấy sáp không thấm nước, sau đó dán kín miệng bằng băng keo hoặc cột thun để tránh tiếp xúc với không khí bên ngoài.
Xem thêm:
Lý do nên uống nước chanh hàng ngày
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất dinh dưỡng
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365