Thường mỗi khi tới dịp gần tết là trẻ em rất hay bị các bệnh về đường hô hấp, mà thường nhất là cứ sụt sịt sổ mũi hoài. Lại có một số bé thì khi hít phải bụi, khói thuốc lá, khói nhang lại bắt đầu nghẹt mũi, chảy nước mũi. Tất cả những dấu hiệu đó là triệu chứng của một tình trạng viêm mũi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem viêm mũi là gì và có phải viêm mũi nào cũng là do dị ứng, và làm thế nào khi con em chúng ta bị viêm mũi.
Khi nào gọi là viêm mũi
Viêm mũi thường sẽ bắt đầu bằng triệu chứng như hắt hơi liên tục, ngứa mũi, rồi sau đó là sổ mũi nước trong, nặng hơn là nghẹt mũi. Đó là các triệu chứng của tình trạng viêm mũi. Triệu chứng viêm mũi cũng rất thường hay đi chung với tình trạng ngứa mắt, chảy nước mắt mà bác sĩ hay gọi và viêm kết mạc đáp ứng với tình trạng viêm mũi.
Tại sao em bé bị viêm mũi?
Bên trong khoang mũi chúng ta được lót bằng 1 lớp niêm mạc, trong lớp đó có rất nhiều mạch máu và các tế bào tiết chất nhầy, đồng thời cũng có các tế bào miễn dịch nằm bên dưới.
Khi có một tác nhân kích thích tế bào niêm mạc, hoặc một tác nhân dị ứng kích thích tế bào miễn dịch, các tế bào này sẽ sản sinh ra các chất làm cho mạch máu trong niêm mạc mũi bị giãn ra, làm niêm mạc mũi sưng lên, gây nghẹt mũi. Các chất đó cũng làm cho tế bào niêm mạc tiết ra rất nhiều chất nhầy và trong gây nên tình trạng chảy mũi hay sổ mũi.
Những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng viêm mũi.
Dựa theo cơ chế ở trên mà viêm mũi được chia ra thành viêm mũi không dị ứng và viêm mũi dị ứng.
– Viêm mũi không dị ứng: do các yếu tố kích thích từ môi trường như khói thuốc lá, khói đốt, bụi, hoặc các yếu tố về khí hậu như nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, ngoài ra nhiễm siêu vi đường hô hấp cũng là nguyên nhân gây viêm mũi,em bé sẽ có thêm các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đau họng… Nếu tình trạng trên kèm với sốt cao, nước mũi có màu vàng hoặc xanh, thì có thể là tình trạng viêm mũi – xoang do vi trùng, và cần điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
– Viêm mũi dị ứng: gây ra bởi các yếu tố dị ứng trong môi trường mà hằng ngày chúng ta hít phải. Các tác nhân như mạt bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông thú nuôi, các hạt phấn nhỏ của các loại hoa, các loại cỏ dại là các nguyên nhân thường gây ra viêm mũi. Điều này giải thích tại sao triệu chứng viêm mũi dị ứng của các bé có thể nặng lên vào một số dịp trong năm.
Các xét nghiệm nào có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng?
Đối với các bé bị viêm mũi mà bố mẹ không rõ nguyên nhân, thì thường là các tình trạng viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, có thể làm một xét nghiệm khác là xác định một loại kháng thể đặc hiệu trong máu của em bé, kháng lại với dị ứng nguyên của môi trường. Các xét nghiệm này cần phải đưa bé tới bệnh viện.
Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng có quan trọng không?
– Triệu chứng viêm mũi khiến các bé khó chịu, mất ngủ, làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến việc khám phá thế giới xung quanh cũng như khả năng học tập.
– Viêm mũi nếu không điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang, khi đó điều trị sẽ vất vả hơn.
– Trẻ bị viêm mũi dị ứng cũng có thể có những bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, hay viêm da cơ địa. Các nghiên cứu đều cho thấy 40-50% trẻ bị viêm mũi dị ứng có kèm với hen, và 80% trẻ em bị hen suyễn có kèm theo viêm mũi dị ứng.
Khi bé bị viêm mũi, có thể xịt các loại thuốc mua ở các tiệm thuốc tây hay không?
– Một số loại thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi có chứa Oxymethazoline hoặc Xylomethazoline chỉ có thể dùng trong thời gian ngắn khoảng 3-5 ngày, nếu sử dụng kéo dài sẽ dẫn tình trạng phản ứng dội là nghẹt mũi nặng thêm. Việc sử dụng các loại thuốc này cũng chỉ dành cho các bé thường là trên 6 tuổi.
– Một số loại thuốc xịt mũi có chứa corticoid, đây là loại thuốc chính để điều trị viêm mũi, tuy nhiên, cần sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để không bị tác dụng phụ và hiệu quả tốt nhất.
– Khi sử dụng các dụng cụ xịt mũi, các đầu xịt phải hướng ra phía ngoài để tránh làm tổn thương vách mũi. Vì mục đích để thuốc tác dụng lên niêm mạc mũi, nên khi xịt thuốc nên cho bé ngồi ở trạng thái đầu hơi cúi ra trước, tránh ngửa cổ ra sau để tránh thuốc chảy ra sau họng.
- Lưu ý:
1. Viêm mũi có thể do các chất kích thích hoặc có thể do dị ứng với loại dị nguyên nào đó.
2. Cần phải chẩn đoán đúng loại viêm mũi, và điều trị thích hợp để tránh diễn tiến thành các bệnh hô hấp khác, và để không ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của bé.
3. Khi bé bị viêm mũi cấp, có thể điều trị tạm thời 3-5 ngày nếu không khỏi thì nhất định phải đưa bé đến khám các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bác sĩ chuyên nhi hoặc dị ứng để được điều trị thích hợp.
Tham khảo thêm:
Nhiễm trùng máu ở trẻ em có chữa được không?
Các bệnh ung thư thường gặp ở trẻ em
Các bệnh ngoài da ở trẻ em thường gặp