Xuất huyết dạ dày là tình trạng bệnh lý phổ biến, có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, biểu hiện bằng nhiều triệu chứng đa dạng. Người bệnh cần tham khảo thông tin, theo dõi tình hình nhằm phát hiện và thăm khám sớm để chủ động bảo vệ sức khỏe.
MỤC LỤC :
Xuất huyết dạ dày là gì?
Xuất huyết dạ dày (GI) là một triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa thường gặp. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là máu xuất hiện trong phân hoặc chất nôn nhưng không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, xuất huyết bao tử còn có thể khiến phân chuyển sang màu đen hoặc hắc ín. Mức độ chảy máu nhẹ hoặc nặng sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Hiện nay, công nghệ hình ảnh đang ngày càng phát triển, trở nên tinh vi và hiện đại hơn rất nhiều. Do đó, trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến chảy máu dạ dày để chỉ định hướng điều trị phù hợp.
Triệu chứng xuất huyết dạ dày
Triệu chứng của xuất huyết dạ dày có thể biểu hiện rõ ràng hoặc không. Các dấu hiệu cụ thể sẽ phụ thuộc vào tốc độ và vị trí chảy máu trên đường tiêu hóa (miệng, hậu môn,…).
Đau bụng vùng thượng vị
Xuất huyết bao tử do phần niêm mạc bị tổn thương sẽ gây ra những đau tại vùng thượng vị có thể lan ra sau lưng. Đây đều là những dấu hiệu nguy hiểm cần nhận biết để cấp cứu kịp thời.
e
Thay đổi sắc tố da hay da niêm mạc nhợt
Chảy máu bao tử là biến chứng nguy hiểm của các bệnh lý dạ dày như loét, ung thư, nhiễm trùng… Khi bệnh nhân bị xuất huyết dẫn đến hiện tượng mất máu, gây ra tình trạng suy nhược, mệt mỏi, da tái nhợt và thiếu sức sống.
Buồn nôn, nôn ra máu
Đây là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận thấy nhất của xuất huyết dạ dày. Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đầy bụng, chướng bụng, sau đó nôn ra thức ăn lẫn máu tươi hoặc máu đen. Nếu triệu chứng lặp lại liên tục và lượng máu nôn ra nhiều sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời để theo dõi.
Đi ngoài ra máu
Đi ngoài ra máu có màu đen như bã cà phê kèm mùi khó chịu là triệu chứng điển hình của xuất huyết bao tử. Lượng phân càng nhiều, màu càng sậm thì tình trạng càng nặng. Triệu chứng này xuất hiện do máu từ dạ dày đã hòa lẫn cùng thức ăn đi vào đường ruột và ra ngoài theo chất thải. Ngoài ra, nếu lượng máu chảy ra quá nhiều sẽ gây nên tình trạng đại tiện kèm máu đỏ tươi.
Dấu hiệu thiếu máu
Xuất huyết bao tử liên tục và kéo dài sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Một loạt các dấu hiệu dễ nhận thấy như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, tụt huyết áp, mệt mỏi, vã mồ hôi… hay còn gọi là sốc mất máu. Ngoài ra, khi dạ dày gặp vấn đề, người bệnh sẽ thường cảm thấy chán ăn, ăn không ngon, từ đó dễ thiếu chất dinh dưỡng và dẫn đến suy nhược.
Mệt mỏi, khó thở
Xuất huyết bao tử dẫn đến thiếu máu, từ đó gây ra hàng loạt các triệu chứng nguy hiểm như mệt mỏi, khó thở, thở dốc và có thể bị ngất. Điều này rất nguy hiểm, bệnh nhân cần thăm khám kịp thời để có hướng kiểm soát ngay lập tức.
Nguyên nhân xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Phần lớn là do tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt, ăn uống… Cụ thể như sau:
Do mắc bệnh về dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân chính và phổ biến nhất gây ra hiện tượng chảy máu bao tử, chiếm đến hơn 40% các trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, các vết loét thường phát triển trên niêm mạc dạ dày và phần trên ruột non, sau đó axit sẽ tiếp tục làm tổn thương khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Thông thường, ở mức độ bệnh nhẹ, các mao mạch nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nên lượng máu chảy ít, có thể tự cầm được mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, nhiều ổ loét sâu xuất hiện, loét xơ chai tác động đến động mạch gây xuất huyết ồ ạt và khó kiểm soát. Đây là tình trạng đáng báo động, người bệnh cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Uống quá nhiều bia rượu
Rượu bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến bao tử và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xuất huyết. Cụ thể, việc cơ thể dung nạp nhiều đồ uống có cồn sẽ khiến lớp niêm mạc dạ dày tăng thẩm thấu, từ đó xuất hiện tình trạng chảy máu nguy hiểm.
Thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid và Aspirin
Việc dùng các thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid trong điều trị các bệnh lý xương khớp hoặc dùng Aspirin để ngăn ngừa kết tập tiểu cầu có gây viêm loét niêm mạc và dẫn đến xuất huyết.
Do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày hoặc tá tràng
Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày hoặc tá tràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xuất huyết bao tử. Cụ thể, đây là biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa và các tĩnh mạch mở rộng ở phần dưới thực quản (ống nối cổ họng và dạ dày). Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhất ở những người đang mắc bệnh gan nghiêm trọng như xơ gan. Đây là một trong các nguyên nhân hay gặp của xuất huyết tiêu hóa trên nặng.
Cụ thể, giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày hoặc tá tràng phát triển khi lưu lượng máu bình thường ở gan bị chặn bởi xơ gan hoặc cục máu đông ở tĩnh mạch cửa. Lúc này, để vượt qua, máu buộc phải chảy vào các mạch nhỏ hơn (vốn không được thiết kế để lưu thông khối lượng máu lớn như vậy). Từ đó, mạch máu bị rò rỉ hoặc giãn, vỡ gây xuất huyết và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Nếu bị mất máu quá nhiều, bệnh nhân dễ bị sốc đồng thời phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Hội chứng Mallory Weiss
Mallory weiss (vết rách ở dạ dày thực quản) là thuật ngữ dùng để chỉ các vết rách tại nơi giao giữa thực quản và dạ dày. Hội chứng này khiến lớp niêm mạc bao tử bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến xuất huyết kèm hiện tượng nôn ói. Hội chứng Mallory Weiss là bệnh không lây truyền và thường sẽ tự khỏi trong khoảng 10 ngày mà không cần can thiệp điều trị đặc biệt. Tình trạng có nguy cơ cao xảy ra ở những người bị nôn oẹ nhiều như sau uống rượu hoặc nôn do thai nghén.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh tác động của bệnh lý bao tử, xuất huyết dạ dày còn xảy ra do các nguyên nhân khác như: ung thư thực quản, ung thư, những dị dạng mạch máu do phình mạch trong dạ dày, chẳng hạn như tổn thương mạch Dieulafoy.
Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?
Xuất huyết bao tử là bệnh lý gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa đồng thời có nguy cơ đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong giai đoạn đầu, bệnh không tạo nên nhiều biến đổi trong cơ thể. Thậm chí, lượng máu lúc này có thể rất nhỏ, chỉ có thể phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm y khoa (chẳng hạn như xét nghiệm máu ẩn trong phân). Tình trạng bệnh chỉ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, quan sát thấy phân sẫm màu hay máu trên giấy vệ sinh, bồn cầu khi đại tiện,…
Tuy nhiên, về lâu dài, xuất huyết dạ dày sẽ trở nên trầm trọng, lượng máu chảy ra nhiều và liên tục hơn. Lúc này, người bệnh sẽ thường xuyên bị hoa mắt, chóng mắt, lạnh tay chân, mạch đập yếu,… gây đe dọa đến tính mạng. Thậm chí, hiện tượng xuất huyết ồ ạt từ đường tiêu hóa còn dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng hoặc công thức máu thấp. Do đó, việc theo dõi, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời là thực sự cần thiết và quan trọng.
Xem thêm:
Bí kíp làm đẹp: Các cách chăm sóc để có bàn tay đẹp
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất dinh dưỡng
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365