MỤC LỤC :
Viêm đường tiết niệu khi mang thai là gì?
Viêm đường tiết niệu khi mang thai là tình trạng bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu thai phụ như thận, niệu quản, bàng quang… bị nhiễm khuẩn. Tuy bệnh rất thường gặp, nhưng không phải lúc nào các triệu chứng cũng xuất hiện một cách rõ ràng, nên dễ khiến cho thai phụ không nhận biết được, dẫn đến bỏ qua hoặc điều trị không hiệu quả, làm bệnh tái phát nhiều lần.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như viêm bể thận ở mẹ, nguy cơ sảy thai, sinh non; em bé nhẹ cân, nhiễm khuẩn sơ sinh…
Trong trường hợp bị nhiễm trùng tiết niệu, thai phụ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị chuyên biệt, giúp đảm bảo cho một thai kỳ an toàn.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai
Theo các chuyên gia Tiết niệu, viêm đường tiết niệu khi mang thai xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể là:
- Khi mang thai, sự gia tăng về nồng độ, số lượng các nội tiết tố khiến cho nước tiểu bị cô đặc, chứa nhiều đường, protein… tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, sự thay đổi của nội tiết tố còn làm cho tình trạng nước tiểu dễ trào ngược lên niệu quản nhiều hơn, gây nhiễm trùng tiểu.
- Từ tuần thai thứ 6 trở đi, niệu quản của thai phụ bắt đầu có xu hướng mở rộng cho đến ngày sinh nở. Nước tiểu tập trung nhiều. Thể tích bàng quang tăng lên, giảm trương lực bàng quang và khó tống hết nước tiểu ra ngoài. Vi khuẩn có điều kiện ở lâu trong đường tiết niệu, xâm nhập sâu hơn lên đến thận.
- Kích thước của thai nhi ngày một lớn dần cũng là một nguyên nhân khiến mẹ bị nhiễm trùng tiểu. Bởi lẽ, thai nhi sẽ gây chèn ép lên đường tiết niệu, đặc biệt là bàng quang khiến nước tiểu dễ bị rò rỉ, tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển một cách nhanh chóng.
- Vệ sinh không đúng cách hay quan hệ tình dục thiếu an toàn khi mang thai cũng khiến cho vi khuẩn Escherichia Coli và các vi khuẩn khác ở khu vực hậu môn có thể tấn công vào đường tiết niệu.
- Nhiều phụ nữ có liên cầu nhóm B trong ruột kết và âm đạo, khi mang thai chúng sẽ tấn công vào đường tiết niệu gây viêm. Thậm chí, liên cầu nhóm B còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Viêm đường tiết niệu khi mang thai có nguy hiểm không?
Bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào khi mang thai cũng đều có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng không ngoại lệ. Vì thế, lời khuyên dành cho các thai phụ là nên tầm soát từ trước khi mang thai và thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường, tránh phải gặp biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng gây ra cho mẹ
Từ tuần thứ 6-24, phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn những thời điểm khác. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng nặng nhất có thể gây ra cho mẹ là viêm bể thận, khiến thận bị tổn thương vĩnh viễn. Tỷ lệ thai phụ mắc phải tình trạng này là 1-2% và đặc biệt thường gặp ở người từng bị viêm thận, sỏi thận hay có bất thường ở hệ tiết niệu.
Ngoài ra, thai phụ bị viêm đường tiểu còn có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng, gây chuyển dạ sinh non, suy hô hấp, thiếu máu… làm đe dọa sức khỏe của mẹ không chỉ trong thai kỳ mà còn có thể kéo dài về sau.
Biến chứng gây ra cho bé
Người mẹ bị viêm đường tiết niệu cũng sẽ có những ảnh hưởng rất nặng nề lên thai nhi. Đó có thể là nguy cơ thai lưu, sảy thai, sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh… Trong đó, nhiễm trùng sơ sinh là bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ tỷ vong cao.
Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu ở bà bầu
Số liệu thống kê cho thấy có từ 2-10% phụ nữ bị viêm tiết niệu khi mang thai và điều đáng lo ngại là tình trạng này có xu hướng tái phát thường xuyên, nhất là với người từng có bệnh và nguy cơ cũng lớn hơn với những phụ nữ sinh nhiều lần. Dấu hiệu viêm đường tiết niệu ở bà bầu thường là:
- Đau rát hoặc cảm thấy khó chịu khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
- Lượng nước tiểu thay đổi (nhiều hơn hoặc ít hơn)
- Cảm giác khẩn cấp khi đi tiểu, nhưng tiểu lại ít
- Tiểu tiện không tự chủ
- Nước tiểu có lẫn máu, đục, mùi hôi bất thường
- Chuột rút
- Đau tức ở vùng bụng dưới
- Đau khi quan hệ tình dục
- Ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
- Đau lưng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn khi vi khuẩn lan đến thận
Chẩn đoán viêm đường tiết niệu khi mang bầu
Khi nghi ngờ bạn viêm đường tiết niệu khi mang thai, ngoài thăm hỏi các triệu chứng ban đầu, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu thực hiện một số phương pháp kiểm tra sau đây, trước khi đưa ra phác đồ điều trị:
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm ra vi khuẩn, các tế bào hồng cầu, bạch cầu. Phương pháp này thường được thực hiện khi bạn đang ở trong tam cá nguyệt thứ 1.
- Nếu vi khuẩn được tìm thấy nước tiểu của người bệnh, chúng sẽ được mang đi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và thử độ nhạy cảm với kháng sinh để giúp xác định loại thuốc phù hợp.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
Nguyên nhân gây viêm tiết niệu khi mang thai là vi khuẩn. Vì thế, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định trong trường hợp này để tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh.
Thông thường, bác sĩ sẽ cho thai phụ dùng thuốc kháng sinh trong khoảng 3-7 ngày hoặc nhiều hơn, tùy theo tình trạng bệnh.
Các loại thuốc kháng sinh điều trị viêm đường tiết niệu thông thường như amoxicillin, erythromycin và penicillin được cho là ít tác dụng phụ cho phụ nữ mang thai và sẽ được chỉ định trong trường trường hợp này. Còn lại, các loại khác kháng sinh khác như ciprofloxacin (Cipro), sulfamethoxazole, tetracycline hoặc trimethoprim (Primsol, Proloprim, Trimpex) sẽ không được chỉ định, vì chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc, các triệu chứng gần như sẽ biến mất sau 3 ngày điều trị. Thế nhưng, ngay thời điểm này bạn tuyệt đối không nên dừng thuốc, mà hãy uống đúng liều lượng theo chỉ định để đảm bảo bệnh không tái phát hay làm cho vi khuẩn kháng thuốc.
Trong trường hợp tình trạng viêm đường tiết niệu của bạn tiến triển thành nhiễm trùng thận, các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh mạnh hơn hoặc tiêm tĩnh mạch.
Cách phòng tránh viêm đường tiết niệu cho mẹ bầu
Để tránh bị viêm đường tiết niệu khi mang thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, các thai phụ nên tuân thủ những lời khuyên giúp ngừa bệnh hiệu quả như sau:
- Uống đủ nước mỗi ngày theo cân nặng và điều kiện sinh hoạt
- Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch dịu nhẹ và dùng khăn bông thấm khô từ trước ra sau
- Đi tiểu thường xuyên để tống đẩy nước ra khỏi bàng quang
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, bằng chất liệu thấm hút mồ hôi
- Hạn chế tắm bằng bồn
- Phòng tránh tình trạng viêm đường tiết niệu sau khi quan hệ bằng cách vệ sinh vùng niệu đạo sạch sẽ trước và sau quan hệ tình dục
- Tránh uống rượu, thức ăn cay nóng và đồ uống chứa caffeine
- Tuân thủ lối sống cân bằng, khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
- Xét nghiệm nước tiểu trước khi mang thai để đề phòng tình trạng viêm đường tiết niệu không có triệu chứng.
Xem thêm:
Băng huyết sau sinh cần phải làm gì?
Bổ sung canxi có gây sỏi thận?
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365