Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm cần thiết mang lại lợi ích về sức khỏe sinh sản, thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng.
Vì sao cần phải đi khám sức khỏe trước khi kết hôn?
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó bạn chưa có kinh nghiệm. Bạn được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn.
Khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn còn tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau, hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giúp bạn biết cách chủ động kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm những gì?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục.
Khám sức khỏe sinh sản không những giúp bạn phát hiện những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục, mà còn kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và các bệnh lây qua đường tình dục.
Khi được kiểm tra sức khỏe tổng thể, bạn cần làm một số xét nghiệm và chụp chiếu cần thiết để phát hiện bệnh sớm. Cụ thể đó là:
- Kiểm tra đường huyết.
- Xét nghiệm công thức máu.
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi B, HIV…
- Kiểm tra chức năng gan, thận,
- Điện tâm đồ
- Phân tích nước tiểu
Khi khám sức khỏe sinh sản, bác sĩ sẽ khám cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ để phát hiện những bất thường nếu có.
– Với nữ giới: Nên siêu âm tử cung, buồng trứng để phát hiện những dấu hiệu bất thường mà nhiều phụ nữ mắc phải như u nang buồng trứng, tắc vòi trứng, u xơ tử cung… Ngoài ra, bạn gái nên kiểm tra sớm để tầm soát ung thư vú.
– Với nam giới: Nên đi làm tinh dịch đồ để đánh giá và tiên lượng khả năng sinh sản, khả năng thụ thai tự nhiên. Nếu tinh dịch có dấu hiệu bất thường thì nam giới sẽ được điều trị kịp thời để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.
Trường hợp gia đình một trong hai người có tiền sử bệnh liên quan đến dị tật, tâm thần, chậm phát triển thần kinh, bệnh di truyền… thì cần kiểm tra gen, nhiễm sắc thể. Và điều quan trọng mà hai bạn không nên quên đó là nếu hai bạn định sinh con luôn thì cần được tiêm phòng các loại vaccine phòng các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi như Rubella, cúm, quai bị, sởi, thủy đậu…
Những lưu ý trước khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân
- Nên khám trước khi cưới.
- Buổi sáng đi khám nên nhịn đói để lấy máu làm xét nghiệm.
- Người đến khám nên cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục (kinh nguyệt, thai nghén, xuất tinh…), tiền sử bệnh, tật của bản thân và gia đình.
- Nữ không khám trong kỳ kinh nguyệt.
- Nam không xuất tinh dưới mọi hình thức.
- Mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những vấn đề về sức khỏe của mình.
- Thẳng thắn trao đổi, đặt ra những câu hỏi với bác sĩ về vấn đề sức khỏe mà bạn quan tâm.
Xem thêm:
5 thực phẩm giúp lọc sạch phổi, đẩy ung thư tránh xa
Top 9 thực phẩm đầu bảng về canxi
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365