Những Kiến Thức Cơ Bản Về Suy Thận

Suy Thận Là Gì?

Suy thận là tình trạng thận bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng lọc máu. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý có thể dẫn đến vấn đề này.

suy thận
Thận suy so với thận khỏe mạnh

Người ta thường chia thành 2 nhóm bệnh theo thời gian mắc bệnh là suy thận cấp (tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (bệnh thận mạn).

Suy Thận Có Chữa Được Không?

Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận.

Ngược lại, người mắc suy thận mạn sẽ phải trải qua quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Trong suy thận mạn, các phương pháp điều trị chỉ nhằm làm chậm diễn biến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

Người bị bệnh nặng có thể có chức năng thận giảm đến 90% và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.

Đa phần các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận) khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

Thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn nếu không chữa trị, mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.

Biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp
  • Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng
  • Bệnh tim mạch
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương
  • Thiếu máu
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc thậm chí bất lực
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật
  • Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn

Nguyên Nhân Dẫn Đến Suy Thận

Suy Thận Cấp

  • Chấn thương gây mất máu
  • Mất nước
  • Tổn thương thận từ nhiễm trùng huyết
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Tổn thương thận do một số loại thuốc hoặc chất độc
  • Biến chứng trong thai kỳ, như sản giật và tiền sản giật hoặc liên quan đến hội chứng HELLP

Suy Thận Mạn

  • Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp
  • Viêm cầu thận
  • Viêm ống thận mô kẽ
  • Bệnh thận đa nang
  • Tắc nghẽn kéo dài đường tiết niệu, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư
  • Trào ngược bàng quang niệu quản gây ra tình trạng nước tiểu trào ngược lên thận
  • Viêm đài bể thận tái phát nhiều lần

Triệu Chứng Của Suy Thận

Triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm và thường không đặc hiệu. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.

suy thận làm giảm mạnh chức năng lọc máu
Suy thận làm giảm mạnh chức năng lọc máu

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi, ớn lạnh
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thay đổi khi đi tiểu: tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu nhạt hơn hay đậm hơn bình thường, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn, …
  • Giảm sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt
  • Co giật cơ bắp và chuột rút
  • Nấc
  • Phù chân, tay, mặt, cổ
  • Ngứa dai dẳng
  • Đau ngực (nếu có tràn dịch màng tim)
  • Khó thở (nếu có phù phổi)
  • Tăng huyết áp khó kiểm soát
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Đau hông lưng

Phương Pháp Phòng Ngừa Suy Thận

Lối sống lành mạnh:

  • Giữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg
  • Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu
  • Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng
  • Không hút thuốc lá

Chế độ ăn uống hợp lí:

  • Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi
  • Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ

Điều Trị Suy Thận

Điều trị nội khoa

Chăm sóc hỗ trợ và điều trị nội khoa có thể giúp kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả. Người bệnh không cần chạy thận hoặc ghép thận. Điều quan trọng là phải hiểu rằng chăm sóc hỗ trợ và điều trị để kiểm soát các triệu chứng không phải là phương pháp điều trị suy thận và không đảm bảo khả năng kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Những phương pháp điều trị này chỉ giúp có thể giúp người bệnh có một cuộc sống thoải mái hơn cho đến khi không thể duy trì được nữa.

Chạy Thận Nhân Tạo

Chạy thận nhân tạo là việc sử dụng máy ở bên ngoài cơ thể để làm sạch các chất thải trong máu thay cho chức năng của thận. Phần máu sau khi thanh lọc hết độc tố sẽ được trả trở về cơ thể người bệnh. Tùy thuộc vào loại lọc máu, bạn có thể được kết nối với máy chuyên dụng hoặc một túi catheter di động.

Chạy thận nhân tạo
Bệnh nhân được chạy thận nhân tạo

Chỉ định chạy thận nhân tạo được dùng cho các trường hợp bệnh nhân có biến chứng rối loạn chức năng não, tăng kali nhưng không đáp ứng bằng điều trị nội khoa, hệ số thanh thải creatinin giảm dưới mức 10ml/phút/1,73m2 cơ thể. Việc lọc máu có thể thực hiện đều đặn 3 lần/tuần tại các cơ sở y tế.

Phương pháp này mang đến một số hiệu quả nhất định đối với người bị suy thận, nhưng không thể thực hiện trọn vẹn vai trò của một quả thận khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là người bệnh vẫn có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe liên quan đến tình trạng này, dù đang được lọc máu. Hiện nay, lọc máu có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế hoặc tại nhà, nếu đủ điều kiện.

Cấy Ghép Thận

Một lựa chọn điều trị khác dành cho người bệnh suy thận là cấy ghép thận. Một quả thận khỏe mạnh được thay thế cho quả thận đã mất khả năng hoạt động bình thường, không còn chức năng lọc máu.

Nguồn thận dùng để ghép có thể từ người cho thận còn sống (thân nhân hoặc không phải thân nhân) hoặc người đã chết não. Đây được coi là lựa chọn điều trị tốt nhất cho những người suy thận vì có thể làm tăng cơ hội sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Người bệnh được ghép thận khi thận gần bị suy, trước khi cần lọc máu và cũng có thể dùng kèm với lọc máu trong khi chờ ghép thận.

Phẫu thuật ghép thận được coi là an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bệnh nhận được thận từ một người hiến tặng còn sống sẽ sống lâu hơn những bệnh nhân lấy một quả thận từ một người cho đã chết não (một người vừa qua đời). Trung bình, các ca ghép thận từ người hiến tặng còn sống kéo dài 15-20 năm và từ người đã chết kéo dài 10-15 năm.

Tuy nhiên, khi chọn phương án ghép thận, người bệnh cũng có thể phải đối diện với một số nguy cơ như huyết khối, chảy máu, rò rỉ hoặc tắc nghẽn niệu quản, nhiễm trùng, ung thư liên quan đến quả thận vừa được hiến tặng. Đặc biệt, người được ghép thận phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời sau khi phẫu thuật để ngăn cơ thể đào thải quả thận mới từ cơ thể. Những loại thuốc này có tác dụng phụ riêng của chúng và một vài trong số đó là rất nghiêm trọng.

Phẫu thuật cấy ghép có thể không phải là phương án phù hợp cho tất cả mọi người. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn chi tiết hơn.

 

Tham Khảo Thêm

Sỏi Thận – Nguyên Nhân và Triệu Chứng

Áp xe thận là gì?

Ung thư thận: Những điều cần biết

anh facebook x 300x200 1