Ho nặng sẽ thường dẫn đến khàn tiếng, đó là dấu hiệu bình thường khi cơ thể phản ứng với vi rút. Nhưng nếu như bạn khàn tiếng quá lâu, kéo dài trong vòng vài tuần hãy cẩn thận vì đó là dấu hiệu của một số bệnh liên quan đến ung thư như ung thư vòm họng, ung thư thực quản.
Khàn tiếng kiểu này không phải viêm họng đâu, mau đi khám!
Khàn tiếng (khàn giọng) là tình trạng thay đổi giọng nói, âm thanh không còn trong trẻo và bạn thường phải cố gắng để phát ra âm thanh. Tình trạng này có thể tự hết trong vòng vài ngày, nhưng nếu kéo dài trên hai tuần không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản.
Bạn có thể nghĩ rằng khàn tiếng (khàn giọng) không có gì phải lo lắng. Bởi có nhiều thứ có thể gây ra khàn tiếng, bao gồm viêm thanh quản, cảm lạnh, viêm phổi, la hét.
Thanh quản là một cơ quan nằm ở phía trước cổ, dài khoảng 5 cm và rộng khoảng 5 cm, nằm phía trên khí quản, phía dưới và sau thanh quản là thực quản. Thanh quản có vai trò trong việc thở, nuốt và nói.
Ung thư thanh quản là một trong số các ung thư vùng đầu mặt cổ. Ung thư thanh quản có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của thanh quản. Khi ung thư thanh quản di căn, các tế bào ung thư thường xâm lấn đến hạch bạch huyết lân cận ở vùng cổ. Các tế bào ung thư có thể xâm lấn đến mặt sau của lưỡi, thành phần khác của họng và cổ, đến phổi và các bộ phận khác của cơ thể.
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, các triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc chủ yếu vào kích thước của khối u và vị trí của nó ở thanh quản. Người bệnh có thể có biểu hiện nói khàn hoặc thay đổi giọng nói; khối u ở cổ; đau họng hoặc có cảm giác nghẹn cổ họng; ho kéo dài; khó thở, thở kém; đau tai; gầy sút cân.
Trong đó, biểu hiện khàn tiếng có thể do ung thư thanh quản gây ra hoặc do bệnh khác ít nghiêm trọng hơn.
Một số bệnh lý gây khàn tiếng kéo dài
Viêm thanh quản: thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát.
Hạt xơ dây thanh: xuất hiện trên dây thanh làm cho 2 dây thanh đóng không kín. Thường gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, hụt hơi, mệt mỏi.
Nang nước dây thanh: cũng làm cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, có cảm giác vướng, đau họng.
U lành thanh quản như u xơ, polyp: các bệnh này gây ra tình trạng thanh quản không đóng kín, gây khàn tiếng. Nếu u to có thể gây ra chèn ép, khó thở.
Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: Đây là dây thần kinh chi phối giọng nói. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, cũng gây ra khàn tiếng.
Ung thư thanh quản: Triệu chứng ban đầu có khi chỉ là khàn tiếng kéo dài, sau đó ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân.
Nếu có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài quá 2 tuần và không có chuyển biến dù đã dùng những thuốc kháng viêm thông thường thì cần đi khám để tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị phù hợp.
Cách phòng tránh ung thư thanh quản
Để phòng chống ung thư thanh quản, các chuyên gia khuyến cáo nên ngừng sử dụng thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Sử dụng rượu là một yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản. Đặc biệt là rượu có khả năng làm tăng đáng kể hiệu quả gây ung thư trong khói thuốc lá, do đó, cần đặc biệt tránh sự kết hợp của việc uống rượu và hút thuốc để có thể ngăn ngừa ung thư thanh quản hiệu quả.
Đồng thời, giữ vệ sinh răng miệng không chỉ giúp bạn có một hàm răng khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư vùng đầu cổ. Đây là một trong những cách phòng bệnh ung thư thanh quản đơn giản mà hiệu quả. Hạn chế ăn các thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ muối rau, củ, quả muối). Tích cực ăn các thực phẩm tươi, chế độ ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu vitamin. Bên cạnh đó, cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ.
Xem thêm:
5 thực phẩm giúp lọc sạch phổi, đẩy ung thư tránh xa
Top 9 thực phẩm đầu bảng về canxi
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365