Hầu hết mọi người đều cảm thấy buồn, tức giận hoặc chán nản trong một thời điểm nào đó. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài trên hai tuần, có thể bạn đang đối mặt với chứng trầm cảm.
Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai, thuộc mọi hoàn cảnh sống, ở bất kỳ độ tuổi nào và được phát hiện ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông.
Trầm cảm nếu không được điều trị sẽ gây ra một số vấn đề về việc làm, căng thẳng trong các mối quan hệ, tình trạng lạm dụng thuốc lá và rượu bia, có ý nghĩ hoặc cố gắng tự sát. Bên cạnh đó, nó còn làm nghiêm trọng hơn các bệnh: viêm khớp, hen suyễn, bệnh tim mạch, ung thư, bệnh tiểu đường và béo phì.
MỤC LỤC :
RỐI LOẠN TRẦM CẢM DAI DẲNG (DYSTHYMIA)
Rối loạn trầm cảm dai dẳng, hay còn gọi là chứng trầm cảm thường xuyên, là một loại bệnh trầm cảm mãn tính. Bạn có thể mất hứng thú trong các hoạt động bình thường hàng ngày, cảm thấy vô vọng, năng suất giảm, lòng tự trọng thấp và có cảm giác hụt hẫng. Những cảm xúc này kéo dài trong nhiều năm và có thể ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ, học tập, công việc cũng như các hoạt động hàng ngày của bạn.
Tuy ít nghiêm trọng nhưng rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn nhiều hơn như làm căng thẳng các mối quan hệ và gây khó khăn cho công việc hàng ngày vì tình trạng trầm cảm kéo dài trong nhiều năm.
Một số triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng là:
– Ăn uống kém hoặc ăn quá nhiều
– Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
– Giảm năng lượng hoặc mệt mỏi
– Tự đánh giá thấp bản thân
– Khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định
– Cảm giác tuyệt vọng
RỐI LOẠN CẢM XÚC LƯỠNG CỰC
Một người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực khi trải qua giai đoạn trầm cảm và giai đoạn hưng cảm xen kẽ nhau. Đối lập hoàn toàn với cảm giác buồn bã, chán nản là trạng thái tâm lý cực kỳ mãnh liệt – phấn khích hoặc dễ cáu giận.
Một số triệu chứng của giai đoạn trầm cảm, bao gồm:
– Giảm khí sắc
– Mệt mỏi và mất năng lượng
– Thường xuyên mất hứng thú và không hài lòng
– Tăng cân hoặc giảm cân đáng kể
– Ngủ nhiều hoặc ngủ ít đi
– Vận động chậm chạp hoặc kích động
– Khó tập trung
– Cảm giác tội lỗi hoặc cảm thấy vô dụng, vô vọng
– Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử
Các dấu hiệu của giai đoạn hưng cảm bao gồm:
– Ý tưởng tự cao hay tự đánh giá cao
– Ngủ ít hơn
– Nói nhiều hơn và cảm thấy có áp lực buộc phải nói
– Tư duy phi tán (nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác) hay suy nghĩ dồn dập
– Gia tăng hoạt động có mục đích hoặc tâm thần kích động
– Tham gia quá nhiều vào hoạt động thú vị
Người bị rối loạn lưỡng cực có thể xuất hiện đặc điểm loạn thần như ảo giác và ảo tưởng.
TRẦM CẢM SAU SINH
Trầm cảm sau sinh bắt đầu từ 4-8 tuần sau khi sinh và có thể kéo dài nhiều tháng sau đó. Những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong quá trình mang thai và sinh con có thể kích hoạt những thay đổi trong não dẫn đến tâm trạng thất thường.
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh, bao gồm:
– Sự sầu não
– Sự lo ngại
– Tức giận hoặc lên cơn thịnh nộ
– Kiệt sức
– Cực kỳ lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của em bé
– Khó khăn trong việc chăm sóc bản thân hoặc em bé mới sinh
– Có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc làm hại em bé
RỐI LOẠN KHÓ CHỊU TIỀN KINH NGUYỆT
Rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Thông thường bạn chỉ cảm thấy xúc động hơn trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt, nhưng nếu bạn bị rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt, bạn có thể trải qua những thay đổi cảm xúc đến mức không thể sinh hoạt như bình thường.
Các triệu chứng của rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt bao gồm:
– Rối loạn cảm xúc (cáu kỉnh, tức giận, khóc và nhạy cảm hơn bình thường)
– Giảm khí sắc, cảm giác tuyệt vọng hoặc suy nghĩ tự ti
– Lo âu, căng thẳng
– Giảm quan tâm trong các hoạt động bình thường
– Khó khăn trong việc tập trung
– Ngủ lịm, dễ mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
– Cảm giác thèm ăn tăng lên
– Ngủ nhiều hoặc mất ngủ
– Cảm giác choáng ngợp hoặc mất kiểm soát
– Triệu chứng thể chất như vú sưng đau, đau khớp hoặc cơ, cảm giác đầy bụng hoặc tăng cân.
Tương tự như trầm cảm sau sinh, rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt được cho là có liên quan đến những thay đổi nội tiết tố. Các triệu chứng của nó thường bắt đầu ngay sau khi rụng trứng và có thể giảm bớt khi có kinh.
Một số phụ nữ coi những triệu chứng này là bình thường, nhưng rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt có thể trở nên rất nghiêm trọng, thậm chí là có ý nghĩ tự tử.
RỐI LOẠN TRẦM CẢM THEO MÙA
Rối loạn trầm cảm theo mùa là chứng trầm cảm liên quan đến mùa nhất định. Đa phần chứng trầm cảm sẽ xuất hiện vào mùa thu và mùa đông, khi đêm dài và số giờ nắng ít đi, sau đó thuyên giảm vào mùa xuân và mùa hè. Ít gặp hơn là trường hợp trầm cảm khởi phát vào mùa xuân sau đó nặng hơn vào mùa hè.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
– Tách biệt xã hội
– Tăng nhu cầu ngủ
– Tăng cân
– Cảm giác buồn bã, vô vọng hoặc vô giá trị
– Lo lắng và dễ bị kích thích
Chứng trầm cảm theo mùa có thể trở nên tồi tệ hơn khi tái phát nhiều năm và có thể dẫn đến ý định tự tử.
RỐI LOẠN ĐIỀU CHỈNH
Rối loạn điều chỉnh xuất hiện do một vài biến cố hoặc sự thay đổi trong cuộc sống như: cái chết của người thân yêu, mắc một căn bệnh nghiêm trọng, bị chấn thương hoặc gặp một tình huống đe dọa tính mạng, ly hôn hoặc tranh chấp quyền nuôi con, thất nghiệp hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, đối mặt với những vấn đề pháp lý.
Thực tế thì cảm thấy buồn và lo lắng trong những tình huống như thế này là điều bình thường. Nhưng nó sẽ chuyển thành trầm cảm khi những cảm giác này bắt đầu vượt quá mức độ ảnh hưởng của sự việc và cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn.
Các triệu chứng của rối loạn điều chỉnh bao gồm:
– Khóc thường xuyên
– Nỗi buồn và sự tuyệt vọng
– Sự lo ngại
– Thay đổi cảm giác thèm ăn
– Khó ngủ
– Mêt mỏi và đau nhức
– Thiếu năng lượng
– Không có khả năng tập trung
– Xa lánh xã hội
Không thể khẳng định trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tùy vào tình trạng của mỗi người, có nhiều người được điều trị hiệu quả sẽ tiếp tục sống khỏe mạnh và hạnh phúc, trong khi số khác sẽ phải chịu đựng thách thức trầm cảm và điều trị suốt đời.
Nếu bạn đã từng bị trầm cảm hoặc bạn nghĩ rằng mình có các triệu chứng của trầm cảm thì hãy đến gặp bác sĩ tâm lý. Đôi khi việc bày tỏ sẽ khiến bạn cảm thấy lo lắng hay khó chịu, nhưng hãy cố gắng nói cho bác sĩ biết mọi thứ về suy nghĩ và hành vi của bạn. Điều này sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác hơn và có phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bạn.
Xem thêm:
Mật ong là gì và nó có lợi cho sức khỏe của bạn như thế nào?
Làm cách nào để tăng nội tiết tố nữ
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365