Phòng Ngừa Và Điều Trị Thoái Hóa Khớp

Tổng Quan Về Bệnh

Thoái hóa khớp là tình trạng phần sụn đệm giữa 2 đầu xương bị hư hỏng, viêm, giảm chất bôi trơn ở điểm nối giữa 2 đầu xương khiến người bệnh bị đau nhức, cứng khớp, hạn chế vận động. Về lâu dài, tình trạng thoái hóa khớp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

Khớp bình thường so với khớp bị thoái hóa
Khớp bình thường so với khớp bị thoái hóa

Thoái hóa khớp thường xảy ra từ độ tuổi 40 – 60 tuổi. Đặc biệt sau 45 tuổi, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thường cao gấp 1,5 – 2 lần so với nam giới.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp là:

  • Tình trạng sụn khớp chịu áp lực trong thời gian dài.
  • Các chấn thương nhẹ và mạn tính ở xương khớp.
  • Tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Do độ tuổi, quá trình lão hóa tự nhiên.
  • Yếu tố di truyền trong gia đình.
  • Di chứng từ các bệnh lý khác.

 

Cách Phòng Ngừa Thoái Hóa Khớp

Trên thực tế, thoái hóa khớp là tiến trình tự nhiên nên gần như khó tránh khỏi. Tuy nhiên nếu bạn biết cách phòng ngừa thoái hóa khớp thì sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa diễn ra. Dưới đây là các biện pháp được các chuyên gia, bác sĩ gợi ý.

Duy trì thân hình cân đối

Người càng có cân nặng cao, áp lực đè lên các khớp càng lớn. Đặc biệt là vùng lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân. Do vậy biện pháp hàng đầu cần thực hiện để ngăn chặn thoái hoá khớp là giảm cân nếu cân nặng của bạn đang vượt chuẩn.

Tập luyện vừa sức

Việc rèn luyện thể dục, thể thao ở mức độ phù hợp sẽ mang lại lợi ích cho người mắc chứng viêm khớp, ví dụ: Tăng độ dẻo dai cơ bắp, lưu thông máu huyết, tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp càng mạnh khỏe sẽ giảm bớt áp lực đè nén lên khớp xương trong quá trình vận động.

Tuy nhiên, việc tập gắng sức hoặc đốt cháy giai đoạn có thể vô tình ảnh hưởng đến các lớp sụn mới còn non yếu. Do vậy người bệnh chú ý nên chọn cường độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, bắt đầu từ những động tác chậm rãi, nhẹ nhàng sau đó mới tăng dần lên tùy vào phản ứng của cơ thể.

Tập luyện điều độ giúp ngăn ngừa thoái hóa khớp
Tập luyện điều độ giúp ngăn ngừa thoái hóa khớp

Tư thế cân bằng

Khi cơ thể ở tư thế thẳng, diện tích tiếp xúc giữa 2 mặt sụn khớp sẽ đạt mức tối đa và lực đè ép sẽ giảm xuống mức tối thiểu giúp bảo vệ các khớp khỏi sự đè ép không mong muốn.

Dùng các khớp lớn khi muốn mang vác nặng

Khi mang vác hay xách đồ nặng, người bệnh nên khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để hạn chế làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ chân, cổ tay, bàn chân, bàn tay. Các khớp lớn ở tay có thể kể đến khớp vai, khớp khuỷu, ở chân là khớp gối, khớp háng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lí

Bên cạnh đó, để tái tạo sụn khớp, tăng độ dẻo dai và sức bền thì người bệnh cũng cần cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất thiết yếu, tốt cho xương, sụn. Một số thói quen dinh dưỡng lành mạnh giúp phòng ngừa thoái hóa xương khớp bao gồm:

  • Giảm bớt những loại thực phẩm có hàm lượng purin và fructozo cao như: thịt gia súc, gan, cá trích, thịt lợn muối;
  • Tránh tất cả món ăn làm tăng mỡ máu như: bơ, thịt mỡ, xúc xích, dăm bông, và hạn chế cả bánh kẹo vì có thể làm gia tăng tình trạng viêm tấy;
  • Nên bổ sung thực phẩm chứa acid omega-3, vitamin D qua chế độ ăn uống, viên nén để có tác dụng giảm đau lâu dài;
  • Tăng cường các loại hoa quả, trái cây như: dứa, chanh, đu đủ, bưởi… vì các trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và vitamin C giúp kháng viêm hiệu quả.

Thay đổi tư thế thường xuyên

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế sinh hoạt. Tránh nằm quá lâu, ngồi lâu, đứng lâu một tư thế vì sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Đây được xem là nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp do nghề nghiệp, đặc biệt là ở những người lao động trí óc.

Không cố làm những việc quá sức

Bất cứ khi nào cảm thấy cần sự trợ giúp, hãy nhờ người khác hỗ trợ mang vác hay xách vật nặng cùng. Việc cố quá sức có thể gây đau nhức kéo dài, lâu dần có thể tiến triển thành những tổn thương lớn hơn trên bề mặt sụn khớp.

Các Phương Pháp Điều Trị Thoái Hóa Khớp

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc là lựa chọn ưu tiên đối với bệnh thoái hóa khớp. Các biện pháp này có độ an toàn cao, phù hợp với bệnh nhân cao tuổi, không gây tác dụng phụ và có thể giảm nhẹ cơn đau ở khớp.

Một số biện pháp không dùng thuốc được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp, bao gồm:

  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, cứng khớp và phục hồi chức năng vận động. Một số phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp bao gồm, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, dùng tia hồng ngoại, siêu âm, bài tập phục hồi chức năng,…
  • Mang đai: Sử dụng đai bảo vệ có thể làm giảm áp lực lên ổ khớp và cải thiện cơn đau. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp làm chậm tiến triển của quá trình lão hóa và hạn chế kích thích lên các mô mềm bao xung quanh khớp.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc có tác dụng giảm mức độ cơn đau và làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên phương pháp này có hiệu quả chậm nên cần thực hiện đều đặn trong một thời gian dài.

Điều trị dùng thuốc Tây

Sử dụng thuốc được chỉ định trong trường hợp khớp phát sinh cơn đau. Biện pháp này cho hiệu quả nhanh, không chỉ giảm mức độ đau mà còn cải thiện một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên hầu hết các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp đều gây hại cho gan và thận, đặc biệt là ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Do đó, sử dụng thuốc chỉ được áp dụng trong giai đoạn tiến triển của bệnh.

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Chỉ định ưu tiên thường là thuốc Paracetamol vì loại thuốc tương đối an toàn và phù hợp với người cao tuổi. Tuy nhiên nếu không có đáp ứng, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…
  • Thuốc bôi ngoài da: Thuốc bôi ngoài da (Voltaren) có tác dụng chống viêm và giảm đau tương đối hiệu quả nhưng ít khi phát sinh tác dụng phụ. Thuốc được sử dụng trực tiếp trên bề mặt khớp từ 2 – 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không được sử dụng khi khớp có vết thương hở và lở loét.
  • Thuốc chống thoái hóa: Các loại thuốc chống thoái hóa như Chondroitin sulfate, Glucosamine, Diacerein,… có tác dụng phục hồi mô sụn, tái tạo xương và làm chậm quá trình thoái hóa. Tuy nhiên nhóm thuốc này có tác dụng rất chậm nên thường được dùng phối hợp với thuốc làm giảm triệu chứng trong giai đoạn tiến triển.
  • Corticoid đường tiêm: Trong trường hợp đáp ứng kém với thuốc uống, bác sĩ có thể tiêm corticoid vào ổ khớp (Hydrocortisone, Betamethasone dipropionate, Methylprednisolon,…). Corticoid có tác dụng chống viêm và giảm đau mạnh nhưng dễ phát sinh rủi ro nên chỉ được sử dụng khi cần thiết.
  • Tiêm acid hyaluronic: Acid hyaluronic có bản chất tương tự dịch nhầy trong ổ khớp. Vì vậy trong trường hợp khô khớp, bác sĩ có thể tiêm acid hyaluronic để giảm ma sát và cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên biện pháp này chỉ được áp dụng cho một số khớp nhất định.

Điều trị dùng Đông Y

Hiện nay Đông y được xem là liệu pháp tối ưu nhất bởi ưu điểm an toàn, trị bệnh tận gốc. Tuy nhiên không phải bài thuốc nào cũng đảm bảo chất lượng, độ an toàn với người sử dụng. Do đó mọi người cần tìm hiểu kỹ, tránh các loại thuốc quảng cáo “quá đà” về công dụng, thuốc không rõ địa chỉ, không được thăm khám.

Điều trị bằng phương pháp Đông Y
Điều trị bằng phương pháp Đông Y

Điều trị ngoại khoa

phương pháp ngoại khoa chỉ được cân nhắc khi điều trị nội khoa thất bại, khớp bị tổn thương nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Hiện nay, điều trị ngoại khoa đối với thoái hóa khớp bao gồm phẫu thuật thay khớp nhân tạo và điều trị dưới nội soi khớp.

Nội soi khớp thường được chỉ định cho trường hợp sụn khớp thoái hóa bong ra nhiều, quá trình hủy hoại sụn diễn ra nhanh chóng, khớp đau nhức dai dẳng và đáp ứng kém với điều trị nội khoa.

Một số kỹ thuật nội soi điều trị thoái hóa khớp:

  • Cấy ghép tế bào sụn
  • Khoan kích thích quá trình tạo xương
  • Cắt lọc, cải thiện bề mặt sụn và rửa ổ khớp

Đối với những trường hợp sụn khớp hư hại nặng và chức năng vận động bị suy giảm hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Do khớp nhân tạo có tuổi thọ từ 10 – 25 năm nên phương pháp này chỉ được thực hiện cho người trên 60 tuổi. Dựa vào mức độ tổn thương khớp, bác sĩ có thể đề nghị thay một phần hoặc toàn bộ khớp.

Phương pháp khoan kích thích tái tạo khớp
Phương pháp khoan kích thích tái tạo khớp

Phẫu thuật thay khớp có thể ổn định lại ổ khớp, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, can thiệp ngoại khoa luôn đi kèm với các biến chứng tiềm ẩn. Do đó cân cần nhắc giữa rủi ro và lợi ích trước khi thực hiện.

 

Tham Khảo Thêm

Thoái hóa khớp – Nguyên nhân và Triệu chứng

Khớp gối có quan trọng?

Loãng xương là gì?

fb cl