Tiền sản giật sau sinh xuất hiện trong vòng 48 giờ kể từ khi sinh đẻ (tuy nhiên đôi khi tiền sản giật sau sinh có thể xuất hiện trong khoảng thời gian lên tới 6 tuần hoặc hơn nữa, và được gọi là tiền sản giật sau sinh muộn).
MỤC LỤC :
Tiền sản giật sau sinh là gì?
Tiền sản giật sau sinh là một tình trạng hiếm gặp xảy ra khi người mẹ bị tăng huyết áp và protein niệu dương tính ngay sau khi sinh con. Tiền sản giật sau sinh cũng giống như tiền sản giật, chỉ khác là tiền sản giật xuất hiện trong thời kỳ mang thai, còn tiền sản giật sau sinh lại xuất hiện sau khi em bé ra đời.
Tiền sản giật sau sinh cần phải được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, tiền sản giật sau sinh có thể gây co giật và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Các triệu chứng của tiền sản giật sau sinh
Tiền sản giật sau sinh có thể khó tự nhận biết. Nhiều phụ nữ mắc tiền sản giật sau sinh không xuất hiện bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng gì trong suốt thời kỳ mang thai; hoặc trên thực tế có những bất thường xảy ra nhưng lại không được chú ý tới.
Những triệu chứng và dấu hiệu tiền sản giật sau sinh bao gồm:
- Tăng huyết áp: huyết áp đạt trị số 140/90 mmHg hoặc cao hơn.
- Protein niệu dương tính: kết quả dương tính khi lượng protein trên 0,5 g/L với mẫu nước tiểu ngẫu nhiên; hoặc để kết quả xét nghiệm chính xác nhất thì lấy mẫu nước tiểu 24h, kết quả dương tính khi lượng protein lớn hơn 0,3 g/L/24h.
- Đau đầu nghiêm trọng.
- Thay đổi thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
- Đau vùng bụng trên, thông thường ở vùng hạ sườn phải (khu vực phía dưới các xương sườn bên phải).
- Tiểu ít.
Các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật sau sinh
- Tăng huyết áp trong lần mang thai gần nhất: nguy cơ xuất hiện tiền sản giật sau sinh tăng lên nếu có sự tăng huyết áp từ tuần thứ 20 của thai kỳ
- Béo phì: nguy cơ bị tiền sản giật sau sinh sẽ cao hơn nếu bị béo phì.
- Mang đa thai: tiền sản giật sau sinh sẽ có nhiều khả năng xuất hiện hơn nếu mang đa thai (thai đôi, thai ba,…).
- Tăng huyết áp mạn tính: tăng huyết áp không được kiểm soát trước khi mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra tiền sản giật cũng như tiền sản giật sau sinh.
- Đái tháo đường: mắc đái tháo đường type 1 hoặc tiểu đường type 2 đều làm tăng nguy cơ xuất hiện tiền sản giật và tiền sản giật sau sinh.
Biến chứng của tiền sản giật sau sinh
- Sản giật sau sinh: sản giật sau sinh là tình trạng tiền sản giật sau sinh nặng kèm theo co giật. Sản giật sau sinh có thể gây tổn thương không hồi phục nhiều cơ quan quan trọng như não, mắt, gan và thận.
- Phù phổi: phù phổi là tình huống đe dọa tính mạng khi dịch tích tụ đầy trong hai phổi.
- Đột quỵ: đột quỵ là một cấp cứu y khoa xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một khu vực não nhất định bị suy giảm nghiêm trọng hoặc bị mất hoàn toàn, khiến nhu mô não ở khu vực đó bị tổn thương (hoặc chết) do thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
- Nghẽn mạch huyết khối: nghẽn mạch huyết khối là sự tắc nghẽn mạch máu do một cục máu đông từ một nơi nào đó di chuyển tới và bị kẹt lại trong lòng mạch, và đây cũng là một trường hợp cấp cứu.
- Hội chứng HELLP: hội chứng HELLP bao gồm huyết tán, tăng men gan và tiểu cầu thấp, là một hội chứng đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Phòng tránh tiền sản giật sau sinh
Vì nguyên nhân gây ra tiền sản giật cũng như tiền sản giật sau sinh hiện còn chưa rõ ràng và gây nhiều tranh cãi, do đó thật không may hiện nay chưa có biện pháp nào có thể giúp phòng tránh hoàn toàn tiền sản giật sau sinh. Phương pháp phòng ngừa chủ yếu hiện nay là có một cuộc sống năng động và thực hiện chế độ ăn cân bằng, lành mạnh. Bên cạnh đó bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng thuốc Aspirin trong thai kỳ.
Phải làm gì khi bị tiền sản giật sau sinh?
Khi xuất hiện những triệu chứng và dấu hiệu tiền sản giật sau sinh, xin đừng bỏ qua mà hãy ngay lập tức tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Tiền sản giật sau sinh có thể gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng, do đó việc đi khám sớm sẽ giúp xác định có phải tiền sản giật sau sinh hay không, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Tham khảo thêm:
Sinh thường sau sinh mổ: Những điều cần lưu ý