Khi thận suy yếu, những chức năng như lọc máu, bài tiết chất thải và điều chỉnh huyết áp của cơ quan này cũng suy giảm theo, dần dần trở thành suy thận. Vậy, tình trạng trên xảy ra do đâu? Bị suy thận phải làm sao?
Bệnh suy thận là gì?
Suy thận là thuật ngữ đề cập đến tình trạng suy giảm chức năng thận. Nhìn chung, tình trạng này được chia thành hai nhóm chính gồm:
- Suy thận cấp: chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có khả năng khôi phục chức năng thận (một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn) nếu được điều trị hiệu quả ngay từ đầu
- Suy thận mạn: tiến triển trong thời gian dài và các giải pháp điều trị chỉ tập trung vào kiểm soát bệnh chứ không thể phục hồi chức năng thận
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng và dấu hiệu suy thận là gì?
– Một người bị suy thận sẽ bộc lộ một số biểu hiện bất thường như sau, bao gồm:
- Lượng nước tiểu giảm
- Mắt cá chân và bàn chân sưng phù do phù nề
- Đột ngột khó thở không rõ nguyên nhân
- Thường xuyên mệt mỏi, đờ đẫn, dễ buồn ngủ
- Cảm giác buồn nôn kéo dài và xuất hiện thường xuyên
- Đau thắt ngực
- Co giật
- Bất tỉnh
– Bạn có thể dễ dàng nhận ra những triệu chứng trên rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề sức khỏe khác. Nguyên nhân là do thận có khả năng bù trừ tốt nên khi tình trạng suy giảm chức năng mới bắt đầu phát triển, triệu chứng suy thận rất khó nhận ra.
– Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe thận nếu bắt gặp ba dấu hiệu dưới đây:
- Lượng nước tiểu ít
- Tay, chân sưng phù
- Thở gấp, hụt hơi
Nguyên nhân gây bệnh
Thận không nhận đủ lượng máu cần thiết
Tình trạng lưu lượng máu đến thận bị hạn chế sẽ khiến cơ quan này không nhận đủ oxy và các dưỡng chất thiết yếu để duy trì hoạt động. Theo thời gian, các mô cơ sẽ suy yếu dần, các chức năng vốn có cũng suy giảm theo đó.
Những yếu tố có thể gây cản trở việc nuôi dưỡng thận bao gồm:
- Các bệnh tim mạch, ví dụ như nhồi máu cơ tim
- Xơ gan hoặc suy gan
- Mất nước
- Bỏng nặng
- Phản ứng dị ứng
- Nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng máu
- Tăng huyết áp
- Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm
Cơ chế bài tiết nước tiểu gặp vấn đề
– Nếu quá trình bài tiết nước xảy ra vấn đề, các độc tố sẽ không được đào thải ra ngoài. Thay vào đó, chúng sẽ tích tụ ngay tại thận và gây nên nhiều biến chứng có thể trực tiếp dẫn tới suy thận, chẳng hạn như:
- Sỏi thận
- Phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt)
- Hình thành huyết khối (cục máu đông) trong đường tiết niệu
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang
Một số nguyên nhân khác dẫn đến suy thận là gì?
- Sự hiện diện của huyết khối ở trong hoặc xung quanh thận
- Nhiễm độc kim loại nặng
- Sử dụng ma túy
- Lạm dụng bia rượu
- Viêm mạch
- Lupus ban đỏ
- Viêm cầu thận
- Hội chứng huyết tán tăng ure máu
- Đa u tủy xương
- Xơ cứng bì
- Xuất huyết giảm tiểu cầu
- Tác dụng phụ của thuốc hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng sinh hoặc hóa chất dùng trong xét nghiệm hình ảnh
- Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không được kiểm soát tốt
Yếu tố làm tăng rủi ro suy thận là gì?
Mặc dù bạn không gặp phải những vấn đề sức khỏe trên, nguy cơ suy giảm chức năng thận của bạn vẫn cao hơn người khác nếu bạn:
- Béo phì
- Có chỉ số cholesterol cao
- Từ 65 tuổi trở lên
Biến chứng
Bệnh suy thận có nguy hiểm không?
Bác sĩ luôn khuyến khích người bị suy thận nên tìm kiếm giải pháp điều trị hoặc kiểm soát tốt ngay từ đầu để phòng ngừa một số biến chứng nghiêm trọng có nguy cơ phát sinh, chẳng hạn như:
- Thiếu máu
- Tăng phốt-phát và kali máu
- Sức khỏe xương suy yếu
- Bệnh tim mạch
- Cổ trướng, phù nề
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn bắt gặp những biểu hiện suy thận được đề cập ở trên hoặc nghi ngờ bản thân đang gặp vấn đề với cơ quan bài tiết này, hãy mau chóng đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe và chữa trị hiệu quả. Tiếp nhận điều trị càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao.
Tham khảo thêm:
Biến chứng thường gặp của áp xe phổi
Dấu hiệu khi cơ thể nhiễm ký sinh trùng
Bệnh phong: Đặc điểm, triệu chứng lâm sàng, điều trị dự phòng