Rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh ở các trẻ tồn tại một lỗ nhỏ ở da mặt vùng trước tai, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai. Nốt rò luân nhĩ có thể bị viêm, sưng, có mùi hôi.
MỤC LỤC :
Rò luân nhĩ là gì?
– Bệnh rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh ở trẻ em, khi vùng trước vành tai xuất hiện một lỗ nhỏ, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai, lỗ rò đi sâu vào bên trong và bám vào phần sụn.
– Rò luân nhĩ thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai. Về mặt bào thai học, rò luân hình thành là do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai trong quá trình tạo ra tai ngoài. Dị tật này có thể quan sát thấy ngay sau khi trẻ được sinh ra, thường xuất hiện ở một bên tai, đôi lúc ở cả hai bên.
– Rò luân nhĩ thường xuất hiện độc lập, đơn giản, nhưng đôi khi có thể kết hợp với những dị tật khác, dẫn đến tạo thành những hội chứng và bệnh lý với biểu hiện toàn thân như hội chứng khe mang – tai – thận, teo nửa mặt… Tình trạng phổ biến nhất là nốt rò luân nhĩ bị sưng, viêm, có mùi hôi.
Triệu chứng của rò luân nhĩ
– Lỗ rò luân nhĩ bé bằng đầu tăm trên da khi bị viêm nhiễm, bị sưng hay bị tắc thường gây ra cảm giác ngứa, khó chịu, tiết ra chất bã đậu (do trẻ sờ gãi, bóp nặn), rỉ dịch màu trắng, có mùi hôi hoặc phình ra, tạo thành nang (nang khi bị bội nhiễm sẽ trở nên to dần, tạo thành áp-xe rò luân nhĩ).
– Bệnh thường không được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức, dẫn đến bỏ qua những triệu chứng thông thường như rò luân nhĩ bị viêm, nốt rò luân nhĩ bị sưng hay rò luân nhĩ có mùi hôi. Nếu không được điều trị đúng cách, rò luân nhĩ không những gây mất thẩm mỹ mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm sau này.
Điều trị bệnh rò luân nhĩ như thế nào?
– Điều trị rò luân nhĩ cũng như những biến chứng như rò luân nhĩ bị viêm, sưng cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng vì quá trình điều trị có thể thay đổi tùy thuộc vào một nhóm các yếu tố tương đối phức tạp.
– Ngoài ra, nếu đường rò dài và xoắn, cần phải loại bỏ bằng phẫu thuật, đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn về tai mũi họng mới có thể thực hiện được. Những phương án tiếp cận điều trị rò luân nhĩ bao gồm:
- Nếu không xảy ra tình trạng nhiễm trùng, viêm lỗ rò luân nhĩ thì không cần xử lý gì;
- Kê toa thuốc kháng sinh đường uống cho trẻ nếu lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ;
- Tiến hành chọc và hút dịch từ ổ nhiễm trùng nặng (áp-xe) nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể lấy mẫu và cho thực hiện nuôi cấy hoặc kiểm tra vi khuẩn có trong mủ để xác định loại kháng sinh phù hợp;
- Rạch và thoát mủ nếu áp-xe luân nhĩ không đáp ứng với kim hút;
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đường rò đối với những trường hợp lỗ rò dễ bị nhiễm trùng tái phát. Thủ thuật này được thực hiện sau khi gây mê toàn thân cho trẻ và có thể kéo dài khoảng một giờ. Phẫu thuật thường chỉ được thực hiện sau khi tình trạng nhiễm trùng và viêm lỗ rò luân nhĩ không còn nữa.
Biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm lỗ rò luân nhĩ
– Rò luân nhĩ ở trẻ em là dị tật bẩm sinh nên công tác phòng ngừa viêm nhiễm chủ yếu là giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, tuyệt đối không được bóp nặn tại vị trí lỗ rò của trẻ.
– Nhiều trường hợp trẻ có thể chung sống cả đời với dị tật rò luân nhĩ mà không xảy ra biến chứng gì ảnh hướng đến sức khỏe của trẻ. Ngược lại, một số trường hợp rò luân nhĩ bị viêm, rỉ dịch, sưng đau, gây ra áp-xe xung quanh… có nguy cơ ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.
– Theo khuyến cáo, bố mẹ khi thấy trẻ hay đưa tay gãi hoặc lỗ rò có những triệu chứng bất thường như rỉ dịch nhờn, sưng đau, phình lớn, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để trẻ được thăm khám và có phương án điều trị kịp thời tình trạng viêm nhiễm lỗ rò luân nhĩ.
Tham khảo thêm:
Bệnh viêm tai ngoài có nguy hiểm không?