Đau dây thần kinh tọa là một bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Bất cứ ai từng gặp cơn đau này đều bị ám ảnh bởi sự khó chịu, nhức nhối của nó. Chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, giải pháp điều trị sẽ được đề cập chi tiết trong nội dung sau!
Đau dây thần kinh tọa là gì?
– Dây thần kinh tọa hay còn được gọi là dây thần kinh hông to có điểm xuất phát từ vùng thắt lưng, chạy dọc xuống hông, mông, phía sau hai chân, tới tận các ngón chân.
– Đây chính là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể người. Mỗi một bên cơ thể đều có một dây thần kinh tọa.
– Đau thần kinh tọa về bản chất là một hội chứng thần kinh biểu hiện bởi tình trạng cơn đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa tới tận các nhánh nhỏ của nó.
– Trong thực tế, cơn đau thần kinh tọa là rất phổ biến và nó đặc biệt dễ gặp ở nam giới trung niên với tỷ lệ có thể nhiều gấp 3 lần so với nữ giới.
Nguyên nhân đau dây thần kinh tọa
Nguyên nhân không do bệnh lý
– Tổn thương rễ thần kinh tọa có thể gây ra do ngoại lực tác động. Trường hợp này có thể do chấn thương trong quá trình vận động, sinh hoạt hoặc do tai nạn… tác động trực tiếp vào rễ thần kinh. Một số trường hợp người bệnh bị gãy xương chậu, gãy xương cột sống thắt lưng cũng có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh tọa.
– Ngoài ra, người vừa mổ áp xe mông hay vừa thực hiện tiêm thuốc ở mông, tiêm thuốc vào dây thần kinh tọa thì cũng có thể gây đau thần kinh tọa.
Nguyên nhân do bệnh lý
– Đau thần kinh tọa do bệnh lý là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất trong bệnh này. Trong đó, bệnh lý về xương khớp chiếm tới 90% trường hợp:
Bệnh thoát vị đĩa đệm: Đây là bệnh lý hàng đầu có thể gây ra các tổn thương ở rễ thần kinh tọa. Với người cao tuổi thì tình trạng thoái hóa xương cột sống và đĩa đệm là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra cơn đau thắt lưng hông mãn tính lâu ngày. Ngoài ra, những đối tượng như người béo phì thừa cân, người có tính chất công việc phải ngồi nhiều cũng đứng trước nguy cơ mắc bệnh này cao hơn bình thường.
Bệnh thoái hóa cột sống: Đây là căn bệnh có tính chất mãn tính, thường gây ra những tổn thương tại xương khớp như hình thành gai xương, biến dạng đốt sống do lắng đọng canxi, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, phình đại dây chằng…
Trượt đốt sống: Bệnh này có thể do chấn thương hoặc bẩm sinh, thường đi liền với tình trạng thoái hóa ở cột sống kèm theo tổn thương tại rễ thần kinh. Nếu trượt đốt sống nặng có thể gây chèn ép rễ nghiêm trọng.
Viêm đốt sống: Thường xảy ra ở người cao tuổi, gây ra những cơn đau thắt lưng hông bởi sự chèn ép rễ thần kinh. Viêm đốt sống có thể tiến triển thành hẹp ống sống hoặc gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa nguy hiểm.
Viêm cột sống dính khớp: Bệnh này thường tiến triển chậm với các biểu hiện co cứng khớp vào buổi sáng, đau khớp vào ban đêm, đau vùng mông và thắt lưng hông, lâu dần có thể gây dính đốt sống, đe dọa mất đường cong cột sống sinh lý.
Nhiễm trùng đốt sống: Bệnh này có thể do vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn lao… gây ra.
Triệu chứng đau thần kinh tọa
– Nhìn chung triệu chứng đau thần kinh tọa ban đầu sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên, có thể nhận ra hội chứng này dựa trên những biểu hiện thông thường nhất của bệnh như:
Cơn đau khi gắng sức: Nếu là do thoát vị đĩa đệm, cơn đau thần kinh tọa thường xuất hiện nếu người bệnh gắng sức làm việc gì đó. Cơn đau thần kinh tọa cũng có thể gắn với cơn đau lưng do bệnh lý.
Đặc điểm cơn đau: Thường xuất phát từ vùng thắt lưng rồi lan dần xuống dưới vùng mông, đùi, mặt sau của chân, bàn chân. Nếu tổn thương bắt đầu từ đốt sống L5 thì cơn đau lại bắt nguồn từ vùng thắt lưng xuống mông, mặt ngoài đùi, tới mặt trước của cẳng chân, mặt trước của mắt cá chân ngoài, xuống tới mu bàn chân và cuối cùng là đau tại ngón chân cái. Trường hợp có tổn thương tại đốt S1 thì cơn đau lại xuất phát từ thắt lưng tới mông, mặt sau của đùi tới mặt sau của cẳng chân rồi tới gót và lòng bàn chân, bời ngoài của bàn chân và ngón út. Cơn đau có thể là âm ỉ liên tục nhưng cũng có khi cấp tính dữ dội.
Cơn đau trong thăm khám: Trong quá trình thăm khám bệnh này, bác sĩ có thể thực hiện nhiều thủ thuật để tìm các dấu hiệu đau bệnh như: day ấn dọc dây thần kinh tọa, nâng chân, khép đùi, kéo gối…
Tư thế giảm đau: Nếu cơn đau đã lâu, nhiều người bệnh có thể có tư thế để giảm đau khiến cho cột sống bị lệch vẹo về một bên, đường cong sinh lý cột sống bị mất, thắt lưng bị ưỡn về phía trước, xương chậu bị nghiêng về phía đối diện với bên chân đau, cơ thể cúi gấp về phía trước như gù để giảm chèn ép rễ. Ngoài ra, bên mông đau có thể bị xệ và cơ cạnh cột sống bị co cứng khó chịu.
Phản xạ gân gót giảm: Người bệnh có thể không thể nhón gót đi hoặc đi bằng gót, cũng có thể bị co cẳng chân bên đau.
Rối loạn thần kinh thực vật: Người bệnh đau thần kinh tọa có thể gặp các rối loạn về phản xạ nhiệt độ, bài tiết mồ hôi, dựng lông, phản xạ đau khi tổn thương rễ nghiêm trọng.
Đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?
– Đau dây thần kinh tọa là một bệnh lý có tính nguy hiểm nhất định vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động, tinh thần và chất lượng sống của người mắc. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại hơn như:
Cơn đau nhức mãn tính dai dẳng: Nếu tình trạng chèn ép dây thần kinh tọa dai dẳng trong thời gian dài không được khắc phục thì có thể chuyển thành mãn tính. Điều này khiến cho cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lệ thuộc vào các phương pháp giảm đau như dùng thuốc, làm trị liệu… Chưa kể, hầu hết các loại thuốc giảm đau khẩn cấp thì về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến chức năng nội tạng gan, thận, dạ dày.
Trầm cảm: Cơn đau mãn tính thường ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người bệnh không hề ít. Không hiếm trường hợp người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng hay lo lắng tột độ vì không thể kiểm soát cơn đau dù ở cấp độ nào. Nhiều người có thể rơi vào tình trạng trầm cảm vì khả năng sinh hoạt, vận động bị hạn chế do cơn đau thường dữ dội bất chợt không báo trước hoặc âm ỉ kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Biến chứng thả bàn chân: Đây là một tình trạng nhược cơ, mất khả năng vận động một phần của bàn chân hoặc các đầu ngón chân. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh đau thần kinh tọa. Khi rơi vào biến chứng này, việc đi đứng sẽ khó khăn hơn vì các ngón chân kéo lê “quét đất” trên mặt đất khi di chuyển do các ngón chân không thể co duỗi như bình thường.
Làm tăng tình trạng thoát vị: Cơn đau thần kinh tọa có thể khiến tình trạng thoát vị nghiêm trọng hơn, nhất là khi người bệnh duy trì các tư thế giảm đau, tăng sức ép lên dây thần kinh.
Rối loạn thần kinh thực vật: Hội chứng đau thần kinh tọa có thể ảnh hưởng tới chức năng kiểm soát cơ bàng quang và ruột. Người bệnh có thể gặp rối loạn liên quan đến đại tiểu tiện.
Yếu liệt chân: Mặc dù đau thần kinh tọa có thể ảnh hưởng tới cả hai bên chân nhưng đa phần thường là bị đau ở một bên. Nếu tổn thương nặng nề không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động, lâu ngày gây yếu liệt.
Đau dây thần kinh tọa chữa được không?
Trong điều trị đau dây thần kinh tọa, mục tiêu quan trọng nhất là phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh sau đó mới chỉ định phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này thì về cơ bản trong nội khoa vẫn có những phương án chung thường được áp dụng như: Nghỉ ngơi tại chỗ, uống thuốc giảm đau, dán cao giảm đau, hồi phục chức năng bằng vật lý trị liệu, đeo đai hỗ trợ… Nếu may mắn, người bệnh có thể hồi phục sau 2-3 tuần điều trị.
Nghỉ ngơi: Người bệnh đau dây thần kinh tọa nên tăng cường nghỉ ngơi nhiều hơn, không được nằm võng hoặc đệm quá mềm, không ngồi xích đu, nên nằm giường cứng.
Sinh hoạt: Chú ý khi vận động, đi lại, tuyệt đối tránh vận động mạnh, xoay người đột ngột, cúi gập người.
Dùng thuốc: Một số loại thuốc giảm đau có thể được sử dụng như: Paracetamol, Aspirin, thuốc kháng viêm không chứa steroid, corticoid, vitamin nhóm B (B1, B6, B12)…; dùng thuốc giãn cơ như myolastan; phối hợp dùng thuốc an thần nếu cần như xanax hoặc seduxe…
Vật lý trị liệu: Một số liệu pháp như kéo giãn cột sống, xoa bóp, bấm huyệt, massage… có thể hữu ích trong việc giảm đau cho người bệnh.
Tham khảo thêm:
Triệu chứng nấm lang ben và cách điều trị
Bạch tạng là gì và dấu hiệu của bệnh
Bệnh bướu cổ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa