Phù phổi là tình trạng thừa dịch trong phổi, nếu tình trạng phù phổi tiếp diễn lâu ngày có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phù phổi
– Phù phổi là tình trạng có thừa dịch trong phổi. Dịch tập trung trong nhiều túi khí ở phổi, làm người bệnh khó thở. Nguyên nhân thường gặp nhất của phù phổi là suy tim.
– Bệnh nhân bị phù phổi đột ngột cần nhập viện khẩn cấp. Việc điều trị bao gồm thở oxy, thuốc để loại bỏ dịch ra khỏi phổi và các thuốc khác giúp tim hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn nhiều biện pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây phù phổi. Phù phổi có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây phù phổi
– Phù phổi có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Tăng áp lực mạch máu trong phổi. Tình trạng này thường xảy ra kèm với suy tim
- Tổn thương các mạch máu rất nhỏ trong phổi, làm cho dịch dễ đi vào phổi hơn
- Suy chức năng mạch bạch huyết
– Phù phổi thường do nguyên nhân suy tim. Khi áp lực trong các mạch máu này tăng, dịch được đẩy vào trong các túi khí trong phổi. Lượng dịch này làm giảm vận chuyển oxy đi qua phổi, gây ra khó thở.
– Suy tim gây ra phù phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này bao gồm:
- Nhồi máu cơ tim
- Bất cứ bệnh nào về tim gây yếu hoặc xơ cứng cơ tim, như bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim giãn nở
- Hẹp hoặc hở van tim
- Nhịp tim bất thường
- Tăng huyết áp nặng, đột ngột.
– Phù phổi cũng có thể do các tình trạng khác ngoài bệnh tim, bao gồm:
- Đến vùng núi cao
- Hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn
- Tổn thương thận cấp hoặc bệnh thận mạn
- Tổn thương phổi do khí độc hoặc nhiễm trùng nặng
- Sau một chấn thương nặng.
– Các triệu chứng của phù phổi có thể bao gồm ho ra máu hoặc bọt hồng, khó thở khi nằm hoặc không thể nói câu hoàn chỉnh do khó thở. Đôi khi người bệnh cần phải nằm ngủ với gối kê cao ở đầu và nửa thân trên. Các triệu chứng khác bao gồm lo lắng hoặc vật vã, suy giảm ý thức, vã mồ hôi.
Chẩn đoán bệnh phù phổi
– Để chẩn đoán phù phổi, bác sĩ sẽ thăm khám và sau đó có thể sẽ làm thêm một số xét nghiệm.
- Tần số và nhịp tim
- Đo huyết áp
- Dùng ống nghe để tìm âm thanh bệnh lý ở phổi, cho thấy có dịch bất thường
- Nghe âm thổi ở tim, cho thấy van tim có vấn đề.
– Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu, dùng để khảo sát
- Xét nghiệm thiếu máu
- Xét nghiệm chức năng thận
- Xét nghiệm nồng độ muối trong máu
- Xét nghiệm xem phù phổi có do nhồi máu cơ tim hay không
- Xét nghiệm một chất gọi là natriuretic peptide, chất này có xu hướng tăng ở bệnh nhân suy tim
- Theo dõi nồng độ oxy trong máu với oxy kế theo mạch đập, phương pháp này dùng một cảm biến đặt lên vùng da mỏng, như ở ngón tay
- Chụp X-quang phổi để tìm dấu hiệu suy tim hoặc các vấn đề khác ở phổi, như viêm phổi
- Siêu âm tim để xem có vấn đề ở cơ tim hay không
- Điện tim để tìm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim hoặc vấn đề về nhịp tim.
Biến chứng của phù phổi gây nên
Nếu phù phổi không được điều trị, vẫn tiếp diễn có thể gây ra một biến chứng phù phổi bao gồm:
- Tăng áp lực tim phải, thậm chí có thể dẫn tới suy tim phải;
- Phù chân;
- Ứ dịch ở bụng hay còn gọi là báng bụng;
- Gan to;
- Sung huyết.
Điều trị phù phổi
– Bệnh nhân bị phù phổi đột ngột cần nhập viện khẩn cấp. Bệnh nhân sẽ được điều trị với oxy, thuốc để loại bỏ dịch ra khỏi phổi và các thuốc khác giúp tim hoạt động hiệu quả hơn.
– Bệnh nhân cũng cần được điều trị khẩn cấp cho nguyên nhân gây phù phổi, ví dụ điều trị nhồi máu cơ tim, bệnh do độ cao hoặc tổn thương thận cấp.
Phòng ngừa bệnh phù phổi
Bệnh phù phổi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, do đó cần có các biện pháp phòng ngừa, bao gồm:
- Phòng ngừa bệnh tim mạch:
Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây phù phổi, người bệnh cần chú ý đến các vấn đề về tim mạch.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp:
– Việc này nhằm điều chỉnh huyết áp một cách ổn định bằng lối sống lành mạnh. Tăng huyết áp có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ, bệnh tim mạch và suy thận.
– Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể hạ huyết áp bằng cách tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh, chế độ ăn giàu trái cây tươi, rau và các sản phẩm sữa ít chất béo, hạn chế muối và rượu.
- Theo dõi lượng cholesterol trong máu:
– Cholesterol là một loại chất béo cần thiết cho sức khỏe, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều cholesterol có thể gây ra các biến chứng khác. Nồng độ cholesterol cao hơn mức bình thường có thể gây ra các chất béo tích tụ trong các động mạch, cản trở lưu lượng máu và tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu.
– Bệnh nhân có thể thay đổi lối sống như hạn chế chất béo, ăn nhiều chất xơ, cá và rau quả tươi, tập thể dục thường xuyên, ngừng hút thuốc và uống rượu trong chừng mực.
- Không hút thuốc:
Nếu bệnh nhân hút thuốc và không thể bỏ thuốc lá, hãy tham khảo với bác sĩ về các biện pháp để giúp bạn bỏ thói quen hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bạn cũng nên tránh việc hút thuốc thụ động.
- Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim:
Bệnh nhân nên ăn một chế độ có ít muối, đường và chất béo bão hòa. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau củ và trái cây.
- Quản lý căng thẳng:
Để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim, người bệnh hãy cố gắng kiểm soát mức độ căng thẳng của mình.
Tham khảo thêm:
Nguyên nhân gây viêm màng phổi
Đừng chủ quan với viêm xoang cấp tính