Tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt tần suất mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn chúng ta nghĩ, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.
MỤC LỤC :
Nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh tim mạch
– Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành và trung niên: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, căng thẳng, chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường…
– Bên cạnh đó, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có một trẻ bị béo phì. Béo phì lại dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp, và hội chứng chuyển hoá. Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sớm thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ.
– Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.
Những dấu hiệu khi có cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa
– Các biểu hiện bệnh lý tim mạch: Đau thắt ngực (cơn đau có tính chất đè ép giữa xương ức, thường lan lên cằm và vai, tay trái, khó thở, và có thể kèm vã mồ hôi hoặc ngất), mệt khi gắng sức, tím.
– Đối với bệnh lý mạch máu não có thể gặp 3 dấu hiệu chỉ điểm của đột quỵ: Yếu liệt nửa bên người hoặc chi, nói ngọng hoặc nói những từ vô nghĩa, méo miệng.
– Hai loại bệnh lý tim và mạch quan trọng cần được chẩn đoán và cấp cứu khẩn vì nguy cơ tử vong cao, có thể gây tàn phế, nếu bệnh nhân không chết cũng để lại nhiều gánh nặng cho xã hội là nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ.
Y học hiện đại đang hỗ trợ rất tốt cho chữa trị bệnh lý tim mạch
– Với sự phát triển của y học, rất nhiều phương pháp chữa trị mới đã được đưa vào để điều trị cho người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung. Đáng chú ý là thủ thuật can thiệp mạch vành cấp cứu tại những trung tâm y tế được trang bị Phòng Thông tim đạt tiêu chuẩn.
– Ngoài ra, tim mạch can thiệp phát triển đã giúp điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh: Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch rất hiệu quả với biện pháp can thiệp nội mạch, gây tê tại chỗ, người bệnh không cần phải gây mê và chịu cuộc phẫu thuật mở xương ức kéo dài như trước đây.
Làm gì để phòng ngừa bệnh lý tim mạch?
– Theo Uỷ ban Bệnh tật của Hoa Kỳ, 80% các biến cố tim mạch có thể phòng ngừa được nếu chúng ta tầm soát sớm, kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ, và đến cơ sở y tế phù hợp đúng thời điểm.
– Nên thực hiện 7 thói quen sau để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch: Không hút thuốc lá; tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày; ăn uống lành mạnh (ăn nhiều rau xanh, ít chất béo bão hoà, giảm lượng muối và rượu bia); kiểm soát cân nặng; huyết áp; đường huyết và cholesterol máu.
– Chúng ta thường lo lắng về bệnh ung thư, nhưng quên rằng nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là bệnh lý tim mạch.
Tham khảo thêm:
Dấu hiệu sớm của ung thư phổi bạn cần biết