MỤC LỤC :
Chất Chống Oxy Hóa Là Gì?
Chất chống oxy hóa là các phân tử chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do là những hợp chất có khả năng gây nên nhiều loại bệnh ở người như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư nếu mật độ quá cao trong cơ thể.
Cơ thể có thể tự tạo các chất chống oxy hóa để kiểm soát gốc tự do. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa còn có thể được cung cấp qua thực phẩm như trái cây, rau và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật khác. Một số loại vitamin như vitamin E và vitamin C có đặc tính chống oxy hóa tốt. Ngoài ra, chất chống oxy hóa còn được ứng dụng trong bảo quản thực phẩm.
Gốc Tự Do Hoạt Động Như Thế Nào?
Các gốc tự do được liên tục hình thành trong cơ thể. Nếu không có chất chống oxy hóa trung hòa, chúng đã nhanh chóng tạo ra các phản ứng gây hại cho cơ thể, cuối cùng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, các gốc tự do cũng thực hiện nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe con người. Ví dụ, gốc tự do hỗ trợ các tế bào miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Do đó, cơ thể luôn cần duy trì sự cân bằng nhất định giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa.
Khi các gốc tự do nhiều hơn chất chống oxy hóa, nó có thể dẫn đến mất cân bằng oxy hóa. Mất cân bằng oxy hóa kéo dài có thể gây tổn thương các DNA và các phân tử quan trọng khác trong cơ thể, thậm chí dẫn đến chết tế bào. Tổn thương DNA làm tăng nguy cơ ung thư và một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng nó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa.
Mất cân bằng oxy hóa thường được kích hoạt bởi một số nguyên nhân từ lối sống, căng thẳng và môi trường sống gồm có:
- Ô nhiễm không khí
- Khói thuốc lá
- Uống rượu
- Chất độc hại
- Lượng đường trong máu cao
- Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo không no nhiều nối đôi
- Bức xạ, bao gồm cả tắm nắng quá mức
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus
- Hấp thụ quá nhiều sắt, magie, đồng hoặc kẽm
- Quá nhiều hoặc quá ít oxy trong cơ thể
- Tập thể dục cường độ cao và kéo dài, gây tổn thương mô
- Hấp thụ quá nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và E
- Thiếu hụt chất chống oxy hóa
Các Loại Chất Chống Oxy Hóa
Chất chống oxy hóa được phân làm 2 loại là chất chống oxy hóa tan trong nước và chất chống oxy hóa tan trong chất béo. Theo đó, chất tan trong nước thực hiện các hoạt động ở cả bên trong và ngoài tế bào, trong khi chất hòa tan trong chất béo hoạt động chủ yếu trong màng tế bào.
Các chất chống oxy hóa quan trọng trong chế độ ăn uống bao gồm:
- Vitamin C: Là chất tan trong nước, cũng là chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống.
- Vitamin E: Là chất tan trong chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ màng tế bào chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.
- Flavonoid: là nhóm chất thực vật có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe.
Nhiều chất được coi là chất chống oxy hóa cũng có những chức năng quan trọng khác. Ngoài ra, còn có nhiều chất cũng thực hiện các chức năng quan trọng khác như curcuminoids trong nghệ và oleocanthal trong dầu ô liu nguyên chất ngoài là chống oxy hóa, còn có tác dụng chống viêm mạnh.
Chất Chống Oxy Hóa Trong Thực Phẩm
Chất chống oxy hóa rất cần thiết cho sự tồn tại của mọi sinh vật. Cơ thể có thể tự tạo ra cơ chế chống oxy hóa như glutathione (chống oxy hóa tế bào). Thực vật, động vật, cũng như tất cả các dạng sinh vật sống khác, đều có khả năng tự chống lại các gốc tự do và tác hại của quá trình oxy hóa. Do đó, trong chúng đều có khả năng chống oxy hóa.
Bổ sung đầy đủ chất chống oxy hóa là điều rất quan trọng. Trong đó, vitamin C và vitamin E là một trong những chất thiết yếu nhất. Ngoài ra, cơ thể cũng cần đến một số chất khác ít thiết yếu hơn. Việc ăn đa dạng các loại hoa quả và rau xanh có lợi cho sức khỏe một phần là do đặc tính chống oxy hóa có trong chúng. Quả mọng, trà xanh, cà phê và sôcôla đen nổi tiếng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt mà bạn có thể tham khảo để thêm vào chế độ ăn của mình.
Theo một số nghiên cứu, cà phê là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn nhất trong chế độ ăn uống của người phương Tây, nhưng điều này một phần là do người bình thường không ăn nhiều thực phẩm có nguyên tố chống oxy hóa cao. Các sản phẩm thịt và cá cũng có chức năng chống oxy hóa, nhưng ở mức độ thấp hơn trái cây và rau quả.
Chất chống oxy hóa có thể làm tăng thời hạn sử dụng của cả thực phẩm tự nhiên và thực phẩm chế biến. Do đó, chúng thường được sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Ví dụ, vitamin C thường được thêm vào thực phẩm chế biến như một chất bảo quản.
Cần Chú Ý Gì Khi Bổ Sung Chất Oxy Hóa?
Chế độ ăn uống bổ sung chất chống oxy hóa là cần thiết, nhưng nhiều không phải lúc nào cũng tốt hơn. Thực tế, việc hấp thụ quá nhiều chất chống oxy hóa có thể tạo các phản ứng độc hại và thậm chí có thể thúc đẩy hơn là ngăn ngừa tổn thương oxy hóa – một hiện tượng được gọi là “nghịch lý chống oxy hóa”.
Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng liều lượng chất chống oxy hóa cao làm tăng nguy cơ tử vong. Vì lý do này, hầu hết các chuyên gia y tế khuyên mọi người nên tránh bổ sung chất chống oxy hóa liều cao. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thức ăn làm giảm tác hại oxy hóa ở mức lớn hơn so với thực phẩm chức năng. Do đó, bạn nên chọn bổ sung chất chống oxy hóa qua thức ăn hơn là thực phẩm chức năng.
Tốt nhất là bạn nên tuân theo một chế độ ăn uống nhiều rau và trái cây, cùng với các thói quen lành mạnh khác. Tuy nhiên, nếu bị thiếu một số chất dinh dưỡng hoặc không thể theo chế độ ăn lành mạnh, bạn có thể uống chất bổ sung liều thấp như vitamin tổng hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tham Khảo Thêm
Sản phẩm bổ sung chất chống Oxy hóa