Tưa lưỡi hay nấm lưỡi là bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại là nguyên nhân khiến bé quấy khóc, thậm chí bỏ bú. Vậy bệnh tưa lưỡi là như thế nào? Dấu hiệu bị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là gì?
MỤC LỤC :
Thế nào là bị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh?
– Bệnh nấm miệng hay tưa lưỡi, là những màng giả mạc màu trắng xuất hiện ở niêm mạc miệng, đặc biệt là bề mặt trên của lưỡi do nấm candida albicans gây ra. Tưa lưỡi ban đầu là những chấm trắng sau đó phát triển nhanh và ăn sâu vào lớp niêm mạc lưỡi, vòm họng hình thành nên các mảng giả mạc rộng gây đau khó chịu, khó bóc, bóc dễ chảy máu.
– Nấm lưỡi thường xảy ra ở giai đoạn từ sơ sinh đến khi trẻ 9-10 tuổi, cũng có thể ở trẻ 15 tuổi.
Tại sao bị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh?
– Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dễ bị tưa lưỡi do ít tiết nước bọt, niêm mạc miệng ở môi trường acid có chỉ số pH thấp. Bệnh thường xuất hiện khi vấn đề vệ sinh miệng cho bé không được đảm bảo, tạo điều kiện cho nấm sinh sôi phát triển hình thành các tưa lưỡi.
– Nguyên nhân gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Vệ sinh miệng cho trẻ không đúng cách hoặc không vệ sinh thường xuyên đặc biệt là sau khi bú hay sau khi ăn bột xong, cho trẻ ngậm vú quá lâu;
- Có thể bị lây qua đường sinh dục của mẹ trong lúc sinh thường hoặc lây do những đốm trắng trên ngực, núm vú của mẹ;
- Hội chứng Raynaud hay bệnh chàm cũng có thể là nguy cơ gây nên bệnh tưa lưỡi.
- Trẻ bị mắc ung thư, HIV hay những bệnh lý miễn dịch khác làm suy giảm sức đề kháng của trẻ nên thường bị nấm lưỡi rất nặng;
- Những trường hợp cho trẻ dùng nhiều corticoid đường hít để hỗ trợ hen suyễn, thuốc độc tế bào trong điều trị ung thư, sử dụng kháng sinh phổ rộng… làm thay đổi mất cân bằng hệ vi sinh của trẻ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm lưỡi phát triển.
Dấu hiệu bị nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh
- Xuất hiện ban đầu là những chấm trắng nhỏ ở phía trên đầu lưỡi hình tròn sắp xếp tạo thành một sợi dây trên lưỡi của trẻ. Những chấm trắng này có thể lan rộng thành mảng trên bề mặt lưỡi và nếu để lâu sẽ lan toàn bộ lưỡi gây mất vị giác, trẻ bỏ bú, biếng ăn, có thể đau đớn, quấy khóc, dễ kích động khi bú;
- Tưa lưỡi nếu không được điều trị phát triển dày lên có thể lan vào đường thở gây ho, viêm phổi, viêm phế quản, nấm phổi. Nếu lan xuống dạ dày có thể gây tiêu chảy rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
- Tưa lưỡi bám chặt vào bề mặt lưỡi, khó bong, khi có cọ xát hay cố cậy sẽ gây đau, chảy máu, nặng thì nhiễm khuẩn, rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.
– Lưu ý phân biệt giữa tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh với cặn sữa:
- Khác với tưa lưỡi, cặn sữa thường xuất hiện sau mỗi lần trẻ bú mẹ hay uống sữa. Cặn sữa xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ màu trắng dễ bong và trôi khi nuốt nước bọt hay uống nước;
- Cặn sữa không gây đau đớn, không chảy máu, không làm trẻ khó chịu quấy khóc;
- Cặn sữa nếu để lớp dày sẽ có ảnh hưởng đến vị giác nhưng không nhiều. Hiện tượng này hết khi lấy hết cặn sữa ra ngoài.
Phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh như thế nào?
– Đối với trẻ:
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khoang miệng của trẻ nhất là sau khi bú;
- Sử dụng khăn tắm riêng cho mỗi thành viên trong gia đình, lưu ý hơn về các đồ dụng vật dụng, đồ chơi của bé đều phải được làm sạch bằng nước nóng để có thể tiêu diệt các loại bào tử nấm;
- Vệ sinh miệng thường xuyên mỗi ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước sạch ấm;
- Đặc biệt lưu ý ở những trẻ có mắc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như HIV, đái tháo đường…. phải kết hợp điều trị với nâng cao sức đề kháng cho trẻ;
– Đối với mẹ:
- Vệ sinh lại đầu vú trước và sau mỗi lần cho bú;
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ;
- Trong quá trình mang thai, nếu mẹ phát hiện bị nhiễm nấm âm đạo thì cần gặp bác sĩ để được khám, điều trị kịp thời tránh lây nhiễm cho trẻ trong quá trình sinh thường;
- Đang trong quá trình nuôi con, cho con bú, nếu mẹ phát hiện bị nấm núm vú cũng cần khám và điều trị ngay để tránh lây cho trẻ quá những lần cho bú;
- Tránh hôn, không để người lạ hôn môi hay hôn má trẻ vì dễ bị lây nhiễm nấm cho trẻ.
Tham khảo thêm:
Chẩn đoán và điều trị viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em