U não là loại u phổ biến nhất ở trẻ em <15 tuổi và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai do ung thư. Chẩn đoán dựa vào chẩn đoán hình ảnh (thường là MRI) và sinh thiết. Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị và xạ trị. Vậy u não ở trẻ em có nguy hiểm không?
Tổng quan bệnh U não ở trẻ em
U não là một sự tân tạo bất thường của một trong số các tế bào thần kinh, tế bào hình gai, tế bào hình sao hay nguyên tủy bào thần kinh. Vậy u não là gì? U não ở trẻ em diễn biến như thế nào?
Nguyên nhân bệnh U não ở trẻ em
Về u não bệnh học, u não thường xuất hiện khi có các tế bào phát triển bất thường trong bộ não hoặc tại các cấu trúc, mô lân cận. Bệnh u não có thể chia thành nhiều loại, một số loại lành tính, một số ác tính, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Các khối u có thể được chia thành khối u nguyên phát bắt đầu trong não và khối u hậu phát lan rộng tới não từ một nơi khác còn gọi là khối u di căn não.
Triệu chứng bệnh U não ở trẻ em
Trẻ em bị u não thường kèm theo nhiều dấu hiệu tùy thuộc vào vị trí, kích thước của não, trong đó có thể kể đến một số biểu hiện sau:
- Có thể biểu hiện bằng nhiều dấu hiệu do hội chứng tăng áp lực trong sọ, hội chứng tiểu não, hội chứng chèn ép khu trú…
- Đầu to, thóp phồng, thóp giãn, giãn khớp so (hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi).
- Bệnh rất hay nôn, dễ nôn.
- Hội chứng tăng áp lực trong sọ với những dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, nôn, thay đổi tính tình, dễ bị kích thích, ngủ gà hay trì trệ, chậm tiếp thu, không tập trung trong lớp học.
- Khi bệnh u não ở trẻ đã trở nên nặng, trẻ thường lơ mơ, bán mê hoặc hôn mê.
- Khi trẻ bị u não ở hố sau, trẻ có dấu hiệu đứng không vững hay không đi được, đi lại loạng choạng, mất điều hòa động tác như quá tầm, sai hướng.
- Khi khối u phát triển ở nền sọ, vùng tuyến yên, tuyến tùng… có thể gây ra dấu hiệu như rối loạn nội tiết, đái nhạt, chậm dậy thì, lùn tuyến yên, nhi tính, phát triển không bình thường.
Đối tượng nguy cơ bệnh U não ở trẻ em
Bệnh u não ở trẻ em là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em nhiều nhất hiện nay, những trẻ sau có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Trẻ có tiền sử người trong gia đình đã từng bị bệnh.
- Trẻ sống trong môi trường hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại.
Phòng ngừa bệnh U não ở trẻ em
Để phòng ngừa bệnh u não của trẻ em có thể kể đến các biện pháp sau:
- Thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.
- Hạn chế tiếp xúc với những chất độc hại.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh U não ở trẻ em
Để chẩn đoán bệnh u não ở trẻ em, hiện nay có rất nhiều biện pháp, bao gồm:
- Chẩn đoán bằng hình ảnh.
- Cộng hưởng từ và cắt lớp.
Các biện pháp điều trị bệnh U não ở trẻ em
Để điều trị u não ở trẻ em, có các biện pháp sau:
- Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu. Phương pháp này là biện pháp điều trị tốt nhất cho trẻ em, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn khối u, kinh nghiệm phẫu thuật viên, vấn đề gây mê hồi sức và vấn đề di chứng sau mổ.
- Điều trị não úng thủy bằng phương pháp mổ nội soi – phẫu thuật tiết kiệm, ít biến chứng, ít di chứng và tái lập tuần hoàn nước não tủy một cách sinh lý hơn.
- Xạ trị là phương pháp có tác dụng trong một số loại u não trẻ em, nhất là Medulloblastoma, Germinoma. Tuy nhiên, phương pháp này có thể ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ nên phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định xạ trị.
- Phương pháp hóa trị được sử dụng điều trị cho những u ác tính mức độ cao ở trẻ em. Tuy nhiên các hóa chất được sử dụng có rất nhiều tác dụng phụ, đôi khi hóa chất còn “ác tính” hơn cả khối u não.
Tham khảo thêm:
Các bệnh gây viêm đường hô hấp ở trẻ em