Nhiễm giun ở trẻ em

Nhiễm giun đường ruột là tình trạng thường gặp ở trẻ em hiện nay. Hậu quả của nhiễm giun là trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu và thậm chí là tử vong do các biến chứng của nhiễm giun. Đau bụng giun ở trẻ em là dấu hiệu điển hình giúp nhận biết và điều trị hiệu quả tình trạng này.

Giun xâm nhập cơ thể trẻ như thế nào?

Giun là một loại ký sinh trùng, sống chủ yếu trong đường ruột. Giun kim dễ dàng lây truyền từ người này san g người khác bằng việc vô tình đưa vật chất vào miệng. Giun móc, giun tròn và sán có thể xâm nhập cơ thể người qua việc tiếp xúc với đất bị ô nhiễm do phân của vật nuôi, con người. Ngoài ra, con người có thể bị nhiễm giun nếu ăn phải thực phẩm nhiễm trứng sán dây hoặc ấu trùng sán như thịt lợn, thịt bò sống,…

nhiễm giun
Chu trình tái nhiễm giun

Các loại giun thường gặp ở trẻ em

  • Giun đũa: Ký sinh ở ruột non. Giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài gây ô nhiễm đất, nước. Trứng giun tiếp tục qua thức ăn, nước uống,… vào miệng người, đi vào ruột, nở và phát triển thành giun trưởng thành. Biến chứng của giun đũa là gây tắc ruột, áp xe gan, giun chui đường mật.
  • Giun kim: Sống ở ruột non, sau đó sống ở ruột già, giun cái đẻ trứng ở rìa hậu môn, gây ngứa hậu môn. Đường lây truyền trứng giun kim từ hậu môn vào miệng qua tay, quần áo. Trứng giun kim vào ruột phát triển thành giun trưởng thành.
  • Giun móc: Ký sinh ở tá tràng, miệng giun bám vào niêm mạc ruột để hút máu. Giun cái đẻ trứng. Sau đó, trứng theo phân ra ngoài và nở thành ấu trùng. Đường lây nhiễm giun móc là con người đưa ấu trùng giun vào cơ thể qua việc ăn rau sống, tay bẩn đưa lên miệng,…
  • Giun tóc: Ký sinh ở ruột già. Đường lây nhiễm là do ăn phải trứng giun trong thức ăn, nước uống. Trứng giun tóc vào ruột sẽ phát triển thành giun trưởng thành.

 Triệu chứng nhiễm giun ở trẻ em

nhiễm giun
Đau bụng vùng rốn ở trẻ em có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm giun
  • Nhiễm giun gây đau bụng vùng rốn ở trẻ em, bụng ỏng, gầy yếu, trẻ có thể nôn ra giun, đi ngoài ra giun. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần.
  • Trẻ nhiễm giun thường khó ngủ, đôi khi đái dầm, hay quấy khóc do ngứa hậu môn vào ban đêm.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng, có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.
  • Trẻ biếng ăn.
  • Trẻ khó chịu, thay đổi trong hoạt động hàng ngày.
  • Trẻ em gái có thể bị mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.
  • Có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
  • Có thể có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu hoặc thở khò khè, ho khan.

Cách chữa đau bụng giun ở trẻ em

nhiễm giun
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun

Để đẩy lùi triệu chứng đau bụng giun ở trẻ em, cha mẹ cần phòng ngừa và điều trị nhiễm giun cho trẻ hữu hiệu. Những lời khuyên hữu ích để các phụ huynh tham khảo:

  • Tẩy giun cho trẻ nếu xét nghiệm phân có nhiều trứng giun hoặc khi trẻ có biểu hiện đi ngoài ra giun, nôn ra giun, ngứa hậu môn.
  • Nên tẩy giun bằng các loại thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc và ít tác dụng phụ. Khi dùng thuốc tẩy giun không cần bắt trẻ nhịn ăn. Nên tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi, tẩy giun 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. Hiện nay, trẻ em trên 1 tuổi đã có thể tẩy giun định kỳ rồi. Thậm chí, có loại thuốc có thể dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Các mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể hơn.
  • Để phòng ngừa nhiễm giun, các thành viên trong gia đình cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, tiểu tiện, thực hiện ăn chín, uống sôi, không đi chân đất để tránh ấu trùng giun móc chui qua da, không để trẻ bò lê dưới đất, không cho trẻ cắn móng tay.
  • Nếu trẻ có các biến chứng do giun như giun chui ống mật, áp xe gan, nhiễm trùng đường mật, tắc ruột do giun… hoặc bị nhiễm các loại giun khác như giun lươn, giun chỉ, giun đũa chó mèo…, các mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tham khảo:

U não ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tim bẩm sinh trẻ em

Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em

anh facebook x 300x200 1