Không chỉ để lại di chứng liệt hạ chi dẫn đến teo cơ ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động sau này, bệnh bại liệt ở thể nặng có thể gây tổn thương não và tủy sống dẫn đến liệt 2 chân lan rộng, liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong. Bệnh bại liệt có những triệu chứng gì? Có thể điều trị bệnh bại liệt không? Làm thế nào để phòng ngừa?
Đặc điểm dịch tễ bệnh bại liệt
– Theo Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế, bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do vi rút Polio (Poliovirus) gây nên, có thể lây lan thành dịch.
– Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của các cơ bị yếu đi, mềm và khó kiểm soát, và cuối cùng bị liệt hoàn toàn, được gọi là hội chứng liệt mềm cấp.
– Bệnh bại liệt đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Vào đầu thế kỷ 20, bại liệt được xem là một trong những căn bệnh đáng sợ khi bệnh dịch xảy ra ở hầu hết các châu lục, làm hàng vạn người mắc bệnh dẫn tới di chứng liệt và tử vong – đặc biệt là trẻ em.
– Sau khi có vắc xin bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực được đưa vào sử dụng hiệu quả vào những năm 1955-1960, bệnh bại liệt đã được kiểm soát, tỷ lệ mắc và chết đã giảm đáng kể. Số lượng các trường hợp bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99%: từ 350.000 trường hợp vào năm 1988 xuống còn 33 trường hợp vào năm 2018.
– Tại Việt Nam, nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng với gần 100% trẻ em được uống vắc xin bại liệt; đến năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do virus bại liệt hoang dại gây nên.
Cơ chế lây truyền của bệnh bại liệt
– Ổ chứa: người là ổ chứa duy nhất, đặc biệt là những người nhiễm virus bại liệt Polio thể ẩn, nhất là trẻ em. Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa (phân – miệng).
– Nguồn truyền bệnh: virus bại liệt từ người bệnh hoặc người lành mang trùng gây bệnh lây nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi đi vào đường tiêu hóa. Những trường hợp không có miễn dịch, virus có thể xâm nhập từ đường ruột vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh.
– Thời kỳ ủ bệnh: bệnh bại liệt có thời kỳ ủ bệnh là từ 7-14 ngày, đối với các trường hợp có dấu hiệu liệt thực thể, tuy nhiên có thể dao động từ 3-35 ngày.
– Thời kỳ lây truyền: chưa được xác định, nhưng có thể kéo dài trong thời gian virus còn tồn tại trong cơ thể và đào thải ra ngoài. Sau khi xâm nhập, virus có trong dịch tiết hầu họng sau 36 giờ, trong phân sau 72 giờ; ở trong phân, virus thường tồn tại từ 3-6 tuần hoặc lâu hơn. Lây truyền có thể bắt đầu từ 7-10 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.
Đối tượng nào dễ bị nhiễm bệnh bại liệt?
– Phụ nữ có thai, người lớn tuổi, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh bại liệt.
– Tỷ lệ mắc bại liệt cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tỷ lệ này càng thấp ở những tuổi càng lớn hơn. Tuy nhiên, trong những vụ dịch gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi trên 15 tuổi tăng lên rõ rệt.
– Lý do khiến bại liệt hay thấy ở trẻ dưới 3 tuổi là do sự lưu hành rộng rãi của virus Polio. Một phần lớn trẻ đang bú mẹ vẫn còn miễn dịch do mẹ truyền sang nên nếu có nhiễm virus thì dấu hiệu bại liệt ở trẻ cũng không rõ rệt và ít để lại di chứng.
Các triệu chứng của bệnh bại liệt
Biểu hiện lâm sàng | Thể liệt mềm cấp điển hình | Thể viêm màng não mô khuẩn | Thể nhẹ | Thể ẩn |
Nguyên nhân | Các cơ bị yếu đi, mềm và khó kiểm soát, cuối cùng bị liệt hoàn toàn | Một loại nhiễm trùng tế bào não, có thể hiếm xảy ra | Triệu chứng giống cúm và có thể tự khỏi | Không rõ triệu chứng |
Triệu chứng | – Sốt– Chán ăn
– Nhức đầu – Buồn nôn – Đau cơ các chi, gáy, lưng – Dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng |
– Sốt– Nhức đầu
– Đau cơ – Cứng gáy |
– Sốt– Khó ngủ
– Nhức đầu – Buồn nôn – Nôn – Táo bón |
Có thể biến chuyển sang nặng |
- 72% những người bị nhiễm virus bại liệt sẽ không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Khoảng 1 trong 4 người sẽ có các triệu chứng giống cúm, như đau họng, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, đau bụng.. Những triệu chứng này thường kéo dài 2 đến 5 ngày, sau đó tự khỏi.
- Một tỷ lệ nhỏ hơn những người bị nhiễm bệnh bại liệt sẽ phát triển các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến não và tủy sống:
- Dị cảm.
- Viêm màng não xảy ra ở khoảng 1 trong số 25 người bị nhiễm bệnh bại liệt.
- Chứng tê liệt hoặc yếu ở cánh tay, chân hoặc cả hai, xảy ra ở khoảng 1% số người bị nhiễm bệnh bại liệt. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong, liệt ở chi làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.
- Tê liệt là triệu chứng bại liệt nghiêm trọng nhất bởi nó có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn và tử vong. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp mắc bệnh bại liệt là 2% – 5% ở trẻ em và lên đến 15% – 30% cho người lớn hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời.
– Ngay cả những đứa trẻ hồi phục hoàn toàn cũng có thể bị đau cơ, yếu hoặc liệt mới khi trưởng thành trong 15 đến 40 năm sau. Đây được gọi là hội chứng sau bại liệt. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính rằng 25% – 40% những người sống sót sau bệnh bại liệt bị mắc hội chứng sau bại liệt.
Theo Viện thần kinh và đột quỵ Hoa Kỳ , hội chứng sau bại liệt có những dấu hiệu và biểu hiện bệnh như:
- Yếu cơ tiến triển chậm;
- Mệt mỏi toàn thân;
- Giảm dần kích thước của cơ bắp;
- Đau do thoái hóa khớp và tăng biến dạng xương như vẹo cột sống;
- Gặp phải các vấn đề về thở hoặc nuốt.
Cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh bại liệt
– Bệnh bại liệt do virus gây nên, cho đến thời điểm này không dễ phát hiện sớm những triệu chứng của bại liệt, cũng không có thuốc đặc trị để chữa khỏi hoàn toàn, do đó để tránh khỏi căn bệnh quái ác này, bên cạnh việc tập trung vào vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, các phương pháp giữ gìn vệ sinh bảo quản, chế biến trong ăn uống… thì duy trì khả năng miễn dịch cao thông qua chủng ngừa vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất để tránh những triệu chứng bại liệt nguy hiểm.
– Vắc xin bại liệt được tiêm nhiều lần, có thể bảo vệ trẻ em và người lớn suốt đời. WHO ước tính 1,5 triệu ca tử vong ở trẻ em đã được ngăn chặn, thông qua hoạt động tiêm chủng vắc xin bại liệt.
– Tiêm chủng vắc xin có vai trò lớn trong việc phòng bệnh bại liệt hiệu quả và tránh được những di chứng nguy hiểm nhưng nếu sử dụng vắc xin kém chất lượng hoặc quy trình tiêm chủng không an toàn, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng không kém.
Các loại vắc xin và lịch tiêm phòng bệnh bại liệt
Loại vắc xin | Vắc xin OPV | Vắc xin IPV |
Đối tượng | Dành cho trẻ từ 2 -18 tháng tuổi. Uống nhắc ở mọi lứa tuổi. | Dành cho trẻ từ 2 tháng đến 6 tuổi. Tiêm nhắc ở mọi lứa tuổi. |
Liều lượng | Uống 2 giọt | Tiêm 0,5ml (tiêm bắp hoặc dưới da) |
Lịch tiêm | Trẻ em: 2-3-4 tháng tuổi. Liều nhắc cách liều 3 tối thiểu 1 năm. | Trẻ em: 2-3-4 tháng tuổi. Tiêm nhắc cách mũi 3 tối thiểu 1 năm. |
Đối với tiêm phòng dịch vụ, vắc xin bại liệt có trong thành phần của các mũi vắc xin phối hợp, giúp trẻ vừa phòng được bại liệt lại vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Trẻ từ 6 tuần tuổi đến 24 tháng tuổi
Vắc xin | Hexaxim (Pháp) | Infanrix Hexa (Bỉ) | Pentaxim (Pháp) |
Phòng bệnh | Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B | Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B | |
Đối tượng | Trẻ từ 6 tuần tuổi đến 24 tháng tuổi | ||
Lịch tiêm | Gồm 3 mũi được tiêm vào các tháng thứ 2, 3, 4 hoặc 3, 4, 5 hoặc 2, 4, 6. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.. Mũi tiêm nhắc lại khi trẻ 16-18 tháng tuổi (cách mũi thứ 3 tối thiểu 6 tháng). |
Gồm 3 được tiêm vào các tháng thứ 2, 3, 4 hoặc các tháng 3, 4, 5 hoặc các tháng 2, 4, 6. Khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 01 tháng. Mũi tiêm nhắc lại khi trẻ 16-18 tháng tuổi (cách mũi thứ 3 tối thiểu 6 tháng) và nên hoàn thành quá trình tiêm trước 24 tháng tuổi. |
Gồm 3 mũi được tiêm vào các tháng thứ 2, 3, 4 hoặc 3, 4, 5 hoặc 2, 4, 6.Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.
Mũi tiêm nhắc lại khi trẻ 16-18 tháng tuổi (cách mũi thứ 3 tối thiểu 6 tháng). Nên hoàn thành quá trình tiêm trước 24 tháng tuổi. |
Xem thêm: