Sảy thai và dọa sảy thai là điều mà không ai mong muốn. Để giảm thiểu rủi ro này, bạn cần tìm hiểu kỹ các dấu hiệu lạ từ những tuần đầu tiên của thai kỳ để có thể đi khám kịp thời. Chúng ta hãy cùng phân biệt dọa sảy thai và sảy thai cùng bài viết dưới đây nhé.
Dọa sảy thai
Dấu hiệu dọa sảy thai
Dọa sảy thai là tình trạng thai nhi vẫn còn sống và phát triển trong buồng tử cung nhưng thai phụ lại có các dấu hiệu như đau bụng và ra máu. Hiện tượng này thường xảy ra ở những tuần đầu của thai kỳ, khi trứng được thụ tinh chưa dính chắc chắn vào tử cung nên dễ bị bong ra.
- Bị ra máu, dịch hồng kèm chất nhầy
- Đau tức hoặc đau âm ỉ từng cơn ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng.
- Khám thai âm tính
Nguyên nhân dọa sảy thai
Một số bệnh lý về nội khoa và tử cung như: U tử cung, ung thư cổ tử cung, cổ tử cung bị viêm nhiễm, tử cung bất thường.
Các chấn động khi mang thai: Mẹ bị ngã, va đập, ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng, làm việc quá sức,…
Bất thường về nhiễm sắc thể của phôi thai: Ngay trong quá trình thụ tinh, nhiễm sắc thể của bố và mẹ kết hợp với nhau đã có vấn đề. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thai nhi sẽ bị đào thải một cách tự nhiên hoặc thậm chí mẹ có thể bị sảy thai trước khi biết mình mang thai.
Sảy thai
Dấu hiệu sảy thai
Sảy thai là hiện tượng kết thúc thai nghén trước khi thai có thể sống được. Thai bị tống ra khỏi buồng tử cung trước 23 tuần hay cân nặng của thai dưới 500g. Khi gặp những dấu hiệu này, mẹ bầu nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:
– Mất triệu chứng mang thai: Đối với các mẹ đang bị nghén nhưng đột nhiên mất các dấu hiệu như ngực không còn căng tức, không thấy buồn nôn…
– Chảy máu bất thường: Nếu âm đạo bị chảy máu đỏ tươi rồi ngưng, lặp đi lặp lại, màu sắc của máu cũng thay đổi từ màu đỏ tươi tới màu nâu mận chín, là triệu chứng báo hiệu hàm lượng hormone đang sụt giảm và quá trình sảy thai có thể xảy ra.
– Đau bụng dưới, đau lưng: Biểu hiện này giống như khi bạn bị đau kinh nguyệt. Nhưng nó cũng là dấu hiệu thường gặp nhất của sẩy thai và mang thai ngoài tử cung.
Do vậy, nếu thấy xuất hiện những cơn co thắt co tử cung (khoảng 5-20 phút một lần) làm cho bạn đau thắt và thở khó khăn và theo sau đó là chảy máu âm đạo thì phải đi khám ngay. Chuột rút kèm chảy máu: Nếu chuột rút đi kèm với chảy máu âm đạo và khó thở thì phần nhiều là bạn bị sảy thai.
Nguyên nhân sảy thai
Các vấn đề về nhiễm sắc thể: Khoảng 50% các ca sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên liên quan đến nhiễm sắc thể. Nguyên do là hợp tử tạo thành từ quá trình thụ tinh giữa tinh trùng và trứng có vấn đề về số lượng nhiễm sắc thể, có thể là thiếu hoặc thừa nhiễm sắc thể.
Vấn đề về nhau thai: Nhau thai là cơ quan kết nối cơ thể bé với cơ thể mẹ, vận chuyển chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang thai nhi để thai nhi phát triển. Do đó, nếu nhau thai có vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé, thậm chí là gây sẩy thai.
Mất cân bằng hormone: Hormone có một vai trò cực kỳ quan trọng trong thai kỳ. Ví dụ như hormone progesterone có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhau thai bám vào thành tử cung, nếu cơ thể của mẹ không đủ progesterone thì nhau thai sẽ dễ bong và dẫn đến sảy thai.
Rối loạn miễn dịch: Khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc dưới mức, có thể là nguy cơ dẫn đến tái diễn. Nói theo cách đơn giản, cơ thể người mẹ không chấp nhận tình trạng mang thai.
Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu: Việc mẹ bầu bị bệnh khi mang thai, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp, lupus, bệnh thận và các vấn đề với tuyến giáp,… có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Mẹ bầu mắc bệnh truyền nhiễm: Tình trạng nhiễm khuẩn, truyền nhiễm có thể làm cho túi ối bị vỡ sớm hoặc cũng có thể khiến cổ tử cung mở quá nhanh.
Ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc thực phẩm cũng có thể dẫn đến sảy thai.
Cấu trúc tử cung: Các bất thường tử cung như tử cung có vách ngăn, tử cung một sừng, tử cung hai sừng,… có thể gây sảy thai.
Hở eo cổ tử cung: Hở eo cổ tử cung có thể dẫn đến sảy thai. Nếu cổ tử cung của người mẹ quá yếu sẽ khó giữ được thai nhi.
Cách phòng tránh sảy thai, dọa sảy thai
- Để có một thai kỳ khỏe mạnh trong tương lai, bạn nên tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích, chất thải, chất độc hại trong môi trường và duy trì cân nặng vừa phải trước, trong khi mang thai.
- Bổ sung các vitamin cần thiết khi mang thai và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
- Tránh dùng một số loại như misoprostol, retinoids, methotrexate và thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen.
- Với thiếu hụt nội tiết: Bổ sung nội tiết ngay khi có thai.
- Với hở eo tử cung: Khâu vòng cổ tử cung chủ động ở những lần có thai sau.
- Khi mẹ bị APS: Dùng aspirin liều thấp trước khi có thai, dùng thuốc chống đông khi người bệnh có thai.
- Chủ động điều trị các bệnh lý toàn thân của mẹ nếu như có.
- Bố hoặc mẹ bị rối loạn nhiễm sắc thể thì nên tư vấn về di truyền xem có nên có thai nữa không.
Sảy thai và dọa sảy thai do rất nhiều yếu tố trong đó có 2 yếu tố quan trọng là vấn đề về tuyến giáp và mắc các bệnh truyền nhiễm. Hai vấn đề này thường gặp phải ở 3 tháng đầu thai kỳ và thường bị các thai phụ xem nhẹ, chủ quan.
Vì vậy, trong giai đoạn này, ngoài việc quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, tầm soát dị tật thai nhi, bạn nên thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu, sàng lọc khác để bảo vệ sức khỏe toàn diện.
Tham khảo thêm:
Mang thai sau sinh mổ. Những điều cần lưu ý
Những dấu hiệu bất thường ở vết mổ đẻ