Bồn chồn, lo lắng bất an, ăn ngủ kém, chợt vui, chợt buồn… được xem là những dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Nếu không được phát hiện sớm, người mẹ có thể có hành vi làm hại bản thân hoặc người khác như tự sát, giết con…
MỤC LỤC :
Cảm thấy mệt mỏi, bất lực
Dấu hiệu đầu tiên của chứng trầm cảm sau sinh là khi mẹ cảm thấy không đủ khả năng chăm sóc con, không chăm sóc con, không cho con bú. Nhiều người cảm thấy chán nản, buồn rầu, đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả.
Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ.
Thiếu tự tin, không muốn tiếp xúc với ai
Nhiều trường hợp không muốn tắm rửa, chải chuốt. Thiếu tự tin khi ra khỏi nhà, họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ.
Xuất hiện một số vấn đề sức khỏe
Thường bị đau ở đầu và cổ, nhưng có người lại đau lưng, đau ngực, có thể có các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe, có cảm giác bị bệnh. Có cảm giác bồn chồn bứt rứt, đứng ngồi không yên.
Mất ngủ, khó ngủ
Người bệnh có thể thao thức đến gần sáng hoặc không ngủ được. Có trường hợp ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được. Nhưng cũng có khi người bệnh lại tăng nhu cầu ngủ và ngủ nhiều.
Trí nhớ kém, mất tập trung
Mất tập trung, không thể đọc sách, xem tivi hay trò chuyện bình thường. Trí nhớ kém và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.
Cách xử lý chứng trầm cảm sau sinh
Khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, cần có sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý. Bản thân người bệnh cần tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, sẽ sớm phục hồi. Đau xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị trầm cảm sau sinh và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Có trường hợp bị nhức đầu lại nghĩ là bị u não, đau ngực là bị bệnh tim nên lo lắng làm tình trạng trầm cảm nặng thêm. Vì vậy, thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ giảm dần.
Thai phụ bị trầm cảm cần nghỉ ngơi nhiều bởi vì mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và nên nhờ người khác cho con bú. Cần ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi cảm thấy đói.
Sự giúp đỡ của người thân sẽ làm cho bệnh phục hồi nhanh, vì người bệnh luôn mệt mỏi nên không nên quấy rầy họ. Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều, lúc đỡ mệt có thể làm những việc họ thích, nên có người thân ở bên cạnh người bệnh.
Điều trị bằng thuốc rất quan trọng, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám và kê đơn thuốc. Thuốc chống trầm cảm thế hệ mới rất hiệu quả và tương đối an toàn. Nên kết hợp với vitamin và thuốc tăng cường tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc có thể ngấm qua sữa nên tốt nhất không cho trẻ bú sữa mẹ.
Cần điều trị đủ thời gian để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát, nên đến bác sĩ tư vấn điều trị dứt điểm.
Tham khảo thêm:
Thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh