Ngày nay, ghẻ vẫn còn là bệnh lây lan trong gia đình và cộng đồng, bệnh do con cái ghẻ – gây bệnh. Bệnh lây truyền chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp da – da, qua vật dụng dùng chung như: quần áo, chăn mền… Đặc biệt, bệnh ghẻ ở trẻ em khá phổ biến, là một dạng phát ban do bọ ghẻ gây ra và dễ lây lan trong môi trường học đường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ ở trẻ em
– Khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh thông qua động chạm như: ôm, bắt tay… bé dễ dàng bị lây bệnh ghẻ. Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ chơi ở nhà trẻ, dùng chung khăn mặt hoặc ngủ chung gối sẽ gián tiếp tạo cơ hội cho cái ghẻ sống ký sinh trên da của trẻ.
– Bệnh khởi đầu bằng triệu chứng chính là ngứa, ban ngày ngứa ít và ngứa rất dữ dội về đêm, khiến trẻ mất ngủ. Sau ngứa sẽ xuất hiện các mụn nước nằm rải rác hay còn gọi là bệnh ghẻ nước, có màu trắng đục.
– Ở vùng da non, cái ghẻ đào hầm dưới da, biểu hiện là một đường rất nhuyễn, cong khúc khuỷu, màu xám hoặc đen do màu của phân cái ghẻ tạo nên, kích thước khoảng vài milimet, hơi nổi cộm dưới da, nhìn kỹ có thể thấy bằng mắt thường.
– Vị trí cái ghẻ đào hầm thường ở nếp kẽ tay, mặt bên các ngón, mặt trước cẳng tay, cùi chỏ, nách, quầng vú, quanh rốn, bộ phận sinh dục, mông, đùi, háng.
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ
– Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis). Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp.
– Cái ghẻ có bốn đôi chân, kích thước khoảng 0.3 mm, rất nhỏ nên khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng không thể bay hay nhảy, chu kỳ sống khoảng 30 ngày ở trong và trên thượng bì của da.
– Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi ngày đẻ 1 – 5 trứng, trứng sau 72 – 96 giờ nở thành ấu trùng, sau 5 – 6 lần lột xác trở thành con ghẻ trưởng thành, sau đó bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới.
– Ghẻ sinh sôi nảy nở rất nhanh, với điều kiện thuận lợi: 1 ghẻ cái sau 3 tháng có thể có một dòng họ 150 triệu con. Ban đêm ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa nhất (dấu hiệu ngứa vào ban đêm), dễ lây truyền nhất, vì ngứa gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu…
Đường lây của bệnh ghẻ như thế nào?
Bệnh ghẻ lây do nằm chung giường, mặc quần áo chung, qua tiếp xúc da-da khi quan hệ tình dục nên có thể xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể như nhà trẻ, quân đội, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, trại giam…
Dấu hiệu bệnh ghẻ là gì?
– Tổn thương đặc hiệu của bệnh ghẻ là luống ghẻ và các mụn nước (còn gọi là mụn trai và đường hầm).
– Đường hầm do cái ghẻ đào ở lớp sừng, đây là đường cong ngoằn ngoèo, dài 2-3 cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với da. Ở đầu đường hầm có mụn nước có đường kính 1 – 2 mm, đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ.
– Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
– Dấu hiệu ngứa nhiều vào ban đêm vì lúc đi ngủ, cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang.
– Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn. Vết xước gãi, vết trợt, sẩn, vẩy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc nhọt, sẹo thâm màu, bạc màu… tạo nên hình ảnh được ví như bức tranh “khảm xà cừ” hoặc tranh “hình hoa gấm”. Những tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, eczema hoá thường che lấp, làm lu mờ tổn thương đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán.
Bệnh ghẻ được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau
- Ghẻ giản đơn: chỉ có đường hầm và mụn nước, ít có tổn thương thứ phát.
- Ghẻ nhiễm khuẩn: có tổn thương của ghẻ và mụn mủ, do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể gặp biến chứng viêm cầu thận cấp.
- Ghẻ biến chứng viêm da, eczema hoá: do chà xát cào gãi lâu ngày, ngoài tổn thương ghẻ còn có các đám viêm da là các đám mảng đỏ da bề mặt có mụn nước, ngứa lâu ngày sẽ thành eczema hoá.
- Ghẻ nhiễm khuẩn có biến chứng viêm cầu thận cấp.
Phòng bệnh ghẻ tốt nhất là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, trẻ đang mắc bệnh, không ngủ chung, không dùng chung quần, áo, chăn màn. Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày với xà phòng, đặc biệt là ở các nếp như: trong các kẽ ngón tay, bẹn, rốn.
Tham khảo thêm: