Chàm sữa em bé hay còn gọi là lác sữa, là bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Ðể điều trị hiệu quả chàm sữa trẻ em, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và lưu ý những vấn đề trong chăm sóc trẻ.
MỤC LỤC :
Nguyên nhân gây chàm sữa trẻ em
– Nguyên nhân gây chàm sữa trẻ em vẫn chưa được xác định rõ và chắc chắn, tuy nhiên bệnh thường gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng. Ngoài ra, nếu cha mẹ mắc các bệnh hen suyễn, dị ứng thời tiết, mề đay, dị ứng da… thì trẻ sinh ra cũng dễ mắc bệnh. Thông thường, bệnh chàm sữa sẽ giảm dần và thoái lui khi trẻ được trên 1 tuổi.
– Nguyên nhân gây chàm sữa trẻ em liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố, đó là cơ địa dị ứng và các chất gây dị ứng.
– Các chất gây dị ứng có thể là từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa trong và ngoài cơ thể như: lông thú cưng, khói bụi, nấm mốc, bụi, rối loạn tiêu hóa, thực phẩm (sữa, trứng…), cách cho trẻ bú, trẻ bị nhiễm khuẩn…
– Bên cạnh đó, các yếu tố kích thích và làm chàm sữa trẻ em nặng thêm gồm có: thời tiết hanh khô, nóng ẩm; xà phòng tắm, giặt; thuốc tẩy, vải áo quần, khói thuốc lá…
Dấu hiệu nhận biết chàm sữa trẻ em
- Bệnh chàm sữa trẻ em thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi, xuất hiện ở trên mặt, hai bên má và có thể lan ra toàn thân mình, tay chân…
- Ban đầu, chàm sữa chỉ là những nốt mẩn đỏ, rồi thành mụn nước nhỏ li ti, có màu đỏ, gây nứt da và rịn nước, đóng vảy và sau đó bong tróc vảy.
- Ở những vùng da bị lác sữa, khi chạm vào sẽ cảm giác thấy thô ráp và có các vảy nhỏ li ti, da khô và căng. Những mảng da khô và mẩn đỏ này thường xuất hiện ở trên mặt và các vùng da bị gập như: cổ, khuỷu tay, mu bàn tay, cổ tay, sau đầu gối, mắt cá chân.
- Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp thêm các dấu hiệu dị ứng của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi.
- Khi bị lác sữa, trẻ sẽ rất khó chịu, hay quấy khóc, bú kém và ngủ không ngon giấc.
- Các vùng da bị ngứa khiến trẻ bứt rứt và gãi liên tục, do đó có thể làm mụn nước vỡ ra, gây chảy máu. Nếu không giữ gìn vệ sinh tốt, những vùng da bị tổn thương có thể dễ dàng bị nhiễm khuẩnđồng thời để lại sẹo và ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.
Ðiều trị chàm sữa trẻ em
– Chàm sữa trẻ em là bệnh rất dễ tái phát do dị ứng khi ăn uống hoặc thời tiết thay đổi. Mục đích của việc điều trị là bình thường hóa làn da và kéo dài thời gian lành bệnh để hạn chế bệnh tái phát, bởi bệnh rất khó điều trị khỏi hẳn. Do đó, trẻ đang bị chàm sữa cấp tính cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn gây bệnh.
– Bên cạnh đó, cần chăm sóc da trẻ với các sản phẩm đặc biệt giúp cải thiện da bé. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể sử dụng sản phẩm chăm sóc da hoặc thuốc bôi với liều lượng phù hợp và an toàn.
Phòng ngừa chàm sữa trẻ em
Phòng ngừa chàm sữa trẻ em dựa trên các yếu tố: chế độ dinh dưỡng, vệ sinh làn da của trẻ và môi trường sống xung quanh. Cụ thể:
- Chế độ dinh dưỡng:
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần duy trì sữa mẹ lâu nhất có thể, chỉ nên cho trẻ ăn dặm từ từ 6 tháng trở đi. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, hải sản, lạc, thực phẩm lên men…
- Vệ sinh thân thể trẻ:
– Không cho trẻ tắm quá lâu với xà phòng hoặc sữa tắm, nên tắm bằng nước ấm để giảm bớt tình trạng ngứa cho chàm sữa trẻ em gây ra, khiến trẻ phải gãi sẽ rất dễ làm nhiễm khuẩn da.
– Nên dùng các loại sữa tắm dành cho trẻ nhỏ. Tránh cho trẻ mặc các loại quần áo làm bằng chất liệu len hoặc sợi tổng hợp, không thấm hút mồ hôi và gây bít tắc da. Nên cho trẻ mặc quần áo mềm. Giữ da trẻ luôn khô, thoáng.
- Môi trường xung quanh:
Không thay đổi nhiệt độ phòng quá nhanh. Thường xuyên chú ý vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là nơi ngủ của trẻ. Nơi ở của bé cần thông thoáng với độ ẩm cần thiết. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thú cưng như chó, mèo.
Trẻ bị chàm sữa kiêng ăn gì?
– Đối với trẻ vẫn còn đang bú mẹ, nếu trẻ bị lác sữa thì mẹ cần hạn chế một số thực phẩm sau để không ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ dành cho bé:
- Các thức ăn giàu chất tanh: Tôm, cua, cá, thậm chí cả tảo cũng không nên ăn. Đây là các thực phẩm có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch cao, hay còn gọi là dị ứng. Nếu mẹ ăn các thực phẩm trên, chúng sẽ đi vào sữa mẹ, trẻ bú và có thể gây kích hoạt chuỗi dị ứng;
- Các thức ăn giàu chất béo: Như thịt mỡ, các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ… Khi ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo sẽ dễ làm khởi phát cơ địa dị ứng, chàm sữa trẻ em dễ sinh thêm nốt;
- Các thức ăn giàu chất cay và tê: Như ớt, chanh, tiêu. Về cơ bản, đây là những gia vị giúp kích thích tiêu hóa mạnh, tuy nhiên, chúng dễ gây ngứa và kích thích tiết mồ hôi, khiến trẻ đang bị lác sữa sẽ càng nặng hơn. Chỉ cần mẹ ăn một lượng thức ăn nhiều gia vị mạnh nhất định, sữa mẹ sẽ trở nên nóng hơn bình thường và ảnh hưởng đến trẻ.
– Chàm sữa trẻ em là bệnh phổ biến, do đó cha mẹ nên lưu ý các dấu hiệu để chăm sóc trẻ đúng cách, trong trường hợp chàm ngày một nặng, kéo dài dai dẳng, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu khám và điều trị bởi rất có thể đây là biểu hiện của một số căn bệnh nguy hiểm khác.
Tham khảo thêm:
Vì sao trẻ nhỏ bị viêm da tiết bã?