Cúm là bệnh do virus cấp tính đường hô hấp gây ra trên người và động vật có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Cúm có khả năng lây truyền khủng khiếp, được xếp vào một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành dịch.
Nguyên nhân gây bệnh cúm
– Cúm (hay còn gọi là cúm mùa) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus cúm. Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi virus cúm chủng A, B, C, trong đó chủng hay gặp nhất ở người là chủng A và B.
– Cúm thường khởi phát đột ngột, bắt đầu với những triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau nhức bắp thịt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng và mệt mỏi toàn thân… Một vài người có thể ói mửa và tiêu chảy, nhưng triệu chứng này thường xuyên xảy ra với trẻ em hơn là với người lớn.
Triệu chứng của cúm
– Cúm thường có biểu hiện ngay sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Những triệu chứng ban đầu có thể gặp là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi… Trẻ em khi mắc cúm có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa
– Cúm là bệnh rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người xem nhẹ cúm, không có những biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, từ đó phải gánh chịu những hậu quả đau lòng.
Cách nhận biết triệu chứng của cúm và cảm:
Đối tượng nào dễ mắc cúm?
Cúm là bệnh hết sức phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Cúm có thể diễn tiến với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng:
- Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi;
- Người lớn, đặc biệt là người trên 65 tuổi;
- Phụ nữ mang thai;
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch;
- Người bị béo phì nặng;
- Người có các bệnh lý mãn tính như hen, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, HIV/AIDS hoặc ung thư…
- Ngoài ra, những người làm việc tại môi trường đông người như bệnh viện, trường học và công sở là những đối tượng có nguy cơ mắc và lây truyền bệnh cúm rất cao.
Bệnh cúm lây truyền như thế nào?
– Virus cúm có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi…, dịch mũi họng và các giọt nước bọt mang theo virus bay vào không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.
– Bên cạnh đó, các giọt dịch này khi vấy bẩn lên đồ ăn, vật dụng… cũng có thể truyền virus gây bệnh. Đây là nguyên nhân khiến cúm rất dễ lây lan nơi đông người. Nếu không phòng ngừa hiệu quả, cúm có thể lây truyền khủng khiếp gây ra đại dịch.
Biến chứng của cúm
– Cúm thường diễn ra quanh năm, có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không điều trị kịp thời.
– Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may mắc cúm trong thời gian mang thai, phụ nữ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó.
Phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?
– Để phòng bệnh cúm mùa, nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; mang khẩu trang y tế đến nơi có đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên…
– Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Báo cáo của các nhà khoa học tại Canada chỉ ra rằng, vắc xin cúm có thể làm giảm tới 50% nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong vì các bệnh liên quan đến tim mạch.
Tham khảo thêm:
Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không?
Viêm tuyến giáp sau sinh: Những vấn đề cần hiểu