MỤC LỤC :
Ortho-K Là Gì?
Orthokeratology, hay Ortho-K, là phương pháp sử dụng kính áp tròng cứng được thiết kế đặc biệt để định hình lại tạm thời giác mạc và cải thiện thị lực. Nó giống như việc chỉnh nha cho mắt của bạn và việc điều chỉnh thường được so sánh với đeo niềng răng. Hầu hết các kính ortho-K được đeo vào ban đêm để định hình lại bề mặt trước của mắt trong khi bạn ngủ. Quá trình cải thiện thị lực có thể bị đảo ngược nhưng cũng có thể được duy trì nếu bạn tiếp tục đeo kính theo chỉ dẫn.
Phương Pháp Này Dành Cho Ai?
Ortho-K được sử dụng để điều chỉnh một số loại tật khúc xạ gồm viễn thị, loạn thị và chủ yếu là cận thị. Cận thị cũng có thể được điều chỉnh bằng kính gọng, kính áp tròng thông thường hoặc các loại phẫu thuật khúc xạ.
Ngoài ra Ortho-K còn được khuyến nghị để kiểm soát cận thị cho trẻ em. Kiểm soát cận thị là quá trình sử dụng một số phương pháp để hạn chế sự gia tăng và phát triển độ cận thị ở trẻ em vượt qua một mức nhất định, thường là -5.00D (theo tổ chức Y tế thế giới WHO, cận thị từ -5.00 trở lên được xem là độ cận thị cao) với mục đích để hạn chế tỉ lệ các biến chứng gây nguy hiểm xảy ra với độ cận thị > -5.00 độ như bong võng mạc, thoái hoá điểm vàng do cận thị,…
Cơ Chế Hoạt Động Của Ortho-K
Giác mạc là một cấu trúc hình vòm trong suốt ở phía trước mắt, có chức năng giúp hội tụ ánh sáng vào võng mạc – vùng tiếp nhận ánh sáng ở phía sau mắt của bạn. Giác mạc chiếm khoảng 2/3 công suất hội tụ của mắt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp chúng ta nhìn rõ vật.
Những kính Ortho-K hoạt động bằng cách làm thay đổi hình dạng giác mạc, dẫn đến thay đổi cách ánh sáng bị hội tụ khi đi vào mắt. Hầu hết các kính chỉnh hình này được đeo qua đêm khi ngủ, tháo ra vào ban ngày. Những kính này này là những kính cứng, thấm khí, đủ chắc chắn để định hình lại giác mạc và cho phép oxy đi qua để mắt bạn luôn khỏe mạnh.
Để lắp kính Ortho-K , các chuyên gia nhãn khoa sẽ chụp hình bản đồ và đo các thông số bề mặt giác mạc của bạn bằng cách sử dụng một dụng cụ gọi là giác mạc kế và sau đó thiết kế một kính riêng biệt cho mắt của bạn. Quá trình đo này không tiếp xúc và cũng không đau. Bản đồ địa hình giác mạc cho biết hình dạng và các thông số đường cong của giác mạc.
Khi tháo kính Ortho-K vào buổi sáng, giác mạc vẫn bị định hình trong một khoảng thời gian và tật khúc xạ của bạn được điều chỉnh mà không cần đeo kính. Nếu bạn ngừng sử dụng kính vào ban đêm, giác mạc của bạn sẽ trở lại hình dạng ban đầu và tật khúc xạ sẽ quay trở lại. Do đó, bạn phải liên tục sử dụng kính để đạt được hiệu quả.
Ortho-K Có An Toàn Không?
Ortho-K có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng (viêm giác mạc do vi khuẩn). Trẻ em và thanh thiếu niên khi sử dụng phương pháp này phải hết sức thận trọng và có sự giám sát kĩ của người lớn, do những đối tượng này ít có ý thức giữ vệ sinh tay và kính. Vì vậy, người thân/cha mẹ phải luôn giám sát và hướng dẫn con em mình sử dụng kính đúng với hướng dẫn từ các chuyên gia nhãn khoa.
Nhiễm trùng mắt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến thị lực. Do đó, đây là một trong những lý do rất quan trọng để tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa/khúc xạ nhãn khoa nếu bạn đang cân nhắc sử dụng Ortho-K.
Ưu Và Nhược Điểm Của Ortho-K
Ưu điểm
- Tầm nhìn tốt mà không cần đeo kính gọng hoặc kính áp tròng vào ban ngày.
- Quá trình định hình giác mạc có thể đảo ngược được.
- Kính có thể được thay đổi tùy theo mỗi người.
- Quá trình đeo kính không tạo cảm giác đau.
- Có khả năng kiểm soát cận thị cho trẻ em.
- Tuân thủ quy trình tháo lắp, vệ sinh kính đồng nghĩa với rất ít nguy cơ biến chứng.
Nhược điểm
- Bạn phải thường xuyên tái khám để đảm bảo sức khỏe mắt luôn tốt
- Bạn phải duy trì việc đeo kính hoặc giác mạc sẽ tái trở lại hình dạng ban đầu, độ cận thị sẽ trở lại như cũ
- Hiệu quả của kính khác nhau ở mỗi người
- Bạn phải luôn tuân thủ theo hướng dẫn của chuyên gia để đạt kết quả tốt nhất