Vì Sao Trẻ Chậm Nói?

Chứng Chậm Nói Ở Trẻ

Con chậm nói luôn là mối quan tâm lo lắng của các bậc cha mẹ. Phụ huynh thường băn khoăn tình trạng trẻ chậm biết nói chỉ là tạm thời, không cần điều trị hay là biểu hiện của một rối loạn bệnh lý thực sự như bệnh tự kỷ, mất thính lực, cần sự can thiệp từ các bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy hiểu và nhận biết được các dấu hiệu báo động khi bé chậm nói là cần thiết, hỗ trợ các bậc phụ huynh đưa ra các quyết định đúng đắn và phối hợp tốt trong việc điều trị cùng các chuyên gia.

Ngôn ngữ bao gồm lời nói và cử chỉ, là phương tiện để diễn đạt tình cảm, suy nghĩ và thước đo cho sự thông minh của các bé. Lời nói là phương tiện giao tiện bằng lời thông qua tiếng nói, nhận biết bằng âm thanh và được cấu thành từ phát âm, giọng nói và sự lưu loát.

Trẻ bị chậm nói sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như đời sống
Trẻ bị chậm nói sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như đời sống

Chậm nói là một phần của chậm phát triển ngôn ngữ là dạng chậm phát triển phổ biến nhất của trẻ em, là khi lời nói vẫn phát triển đúng theo trình tự nhưng với tốc độ chậm hơn. Tỷ lệ mắc phải của tình trạng chậm nói xấp xỉ khoảng 20% cao hơn hẳn các dạng chậm phát triển về vận động, nhận thức hay về cảm xúc và kĩ năng xã hội.

Các Biểu Hiện Của Chậm Nói

Chậm phát triển lời nói của trẻ có nhiều biểu hiện đa dạng, phụ thuộc vào từng lứa tuổi khác nhau. Những mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ được đánh giá dựa vào số từ mà trẻ có thể nói được, hiểu và thực hiện theo yêu cầu của người khác, sử dụng từ ngữ để diễn đạt mong muốn của mình, nhận biết được các đồ vật xung quanh,…

Trẻ dưới 12 tháng tuổi

  • Không đáp ứng với tiếng động là biểu hiện đáng lưu tâm, cảnh báo cho một tình trạng chậm nói sau này.

Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi

  • Không bi bô, phát ra các phụ âm như p, b, m, n.
  • Không biết nói một từ nào, chẳng hạn “ma ma” hay “ba ba”.
  • Không giao tiếp với người khác kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn điều gì đó.
  • Không phản ứng khi được gọi tên mình.
  • Không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu.
  • Không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “chào bé” và “bai bai ”.
  • Thờ ơ với thế giới xung quanh.

Trẻ từ 16 đến 24 tháng tuổi

  • Chưa thể nói được 6 từ.
  • Không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể như mắt, tai, mũi, đầu khi được hỏi.
  • Không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào (lời nói, cử chỉ,…) kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn.
  • Chưa nói được các từ đơn như “mẹ”, “bế”.
  • Không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, ví dụ “Đừng ngồi!”.
  • Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi.

Trẻ từ 2 đến 3 tuổi

  • Chưa thể nói được 15 từ
  • Không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác.
  • Không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, với các câu đơn giản như “Mẹ bế”, “cho con đồ chơi”.
  • Không dùng lời nói để giao tiếp, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
  • Không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn như “con muốn ăn không?”, “mẹ đi đâu rồi?”.
  • Không biết cách chơi với đồ chơi hay tự chơi với chính mình
  • Không biết bắt chước hành động hay lời nói của người khác.
  • Không thể nối hai từ với nhau.
  • Không biết công dụng của những đồ vật thông dụng với trẻ trong nhà như bát thìa, áo quần,…

Trẻ trên 3 tuổi

  • Không sử dụng được đại từ nhân xưng như “con”, “mẹ”, “bố”, …
  • Không thể ghép các từ thành câu ngắn
  • Không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn như “Lấy giầy của con và đặt lên giá”, “Trưa nay con muốn ăn gì?”.
  • Lời nói rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu.
  • Vẫn thường xuyên lắp bắp (rất khó phát ra âm thanh hay từ ngữ), khi nói vẻ mặt bé nhăn nhó.
  • Không đặt câu hỏi.
  • Ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện.
  • Không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác.
  • Đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ.
  • Một số bé còn có biểu hiện rối loạn hành vi vì không thể hiện được điều mình muốn nói.

Các Nguyên Nhân Dẫn Đến Chậm Nói

Trên thực tế, có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ chậm nói, cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ để xác định vấn đề con đang gặp phải, cho bé điều trị sớm. Nếu bé không gặp hiện tượng chậm nói đơn thuần, các bậc phụ huynh cần lưu ý hết sức, bởi vì em bé có thể đang đối mặt với một trong những vấn đề sau đây.

Chậm nói do bệnh lý

Một trong những lý do giải thích cho hiện tượng trẻ bị chậm nói đó là em bé đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng có liên quan tới tai – mũi – họng hoặc là hệ thần kinh.

Trong đó, những căn bệnh thường gặp bạn không thể không nhắc tới như: bệnh viêm tai giữa, viêm mạn tính và các bệnh lý khác liên quan tới thính giác. Điều này gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ, các em bé rất khó khăn để hiểu và tập bắt chước lời nói của mọi người xung quanh. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh về lưỡi hoặc vòm miệng, cha mẹ hãy lưu ý cho con đi khám và điều trị sớm. Có như vậy, quá trình tập nói của con sẽ ít bị ảnh hưởng.

Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng hiện tượng trẻ chậm nói thường do em bé mắc bệnh liên quan tới não bộ. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm điều khiển ngôn ngữ, vì vậy khả năng phát triển về ngôn ngữ của bé chậm hơn so với bình thường.

Chậm nói do tâm lý

Tâm lý cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Khi còn bé, nếu con vô tình phải trải qua một biến cố, tai nạn nghiêm trọng nào đó, chúng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của em bé.

Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa và trò chuyện cùng con ngay từ khi còn bé. Thực tế hiện nay, cuộc sống quá xô bồ, vội vã đã khiến nhiều cha mẹ thiếu quan tâm tới con nhỏ, làm gia tăng tình trạng chậm nói ở các bé, đây thực sự là tình trạng đáng báo động.

Trẻ bị chấn thương tâm lý
Trẻ có thể bị chậm nói do chấn thương, sốc tâm lý

Chậm nói do tự kỉ

Bệnh cạnh những yếu tố kể trên, nếu phát hiện trẻ chậm nói, bạn hãy theo dõi các biểu hiện của con thật cẩn thận và đưa bé đi khám sớm. Bởi vì, trẻ em chậm nói là một trong những triệu chứng thường gặp khi bé mắc hội chứng tự kỷ.

Nhìn chung, bệnh lý này gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ bởi vì có sự xuất hiện của nhiều loại gen bất thường. Hậu quả là sự phát triển của hệ thần kinh bị rối loạn khiến em bé có những biểu hiện khác với những đứa trẻ bình thường.

Làm Gì Khi Trẻ Bị Chậm Nói?

Chắc hẳn các bậc phụ huynh không giấu được sự lo lắng khi thấy em bé nhà mình phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Trong trường hợp này, cha mẹ nên xử trí như thế nào?

Để em bé nhanh biết nói hơn, bạn nên dành nhiều thời gian để chơi đùa, trò chuyện cùng con, thậm chí bạn hoàn toàn có thể đọc truyện cho bé nghe. Đây là cách cực kỳ tốt để em bé bắt đầu làm quen và tập phản xạ, tương tác lại với mọi người xung quanh.

Chơi đùa, đọc sách với trẻ để khắc phục tình trạng chậm nói
Chơi đùa, đọc sách với trẻ để khắc phục tình trạng chậm nói

Đặc biệt, chúng ta không nên để con trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều, chúng là nguyên nhân cản trở sự phát triển ngôn ngữ của bé. Nếu bạn không muốn trẻ chậm nói, nên hạn chế cho con xem điện thoại thông minh, máy tính hoặc tivi.

 

Tham Khảo Thêm

Bệnh sốt rét ở trẻ em

Phòng ngừa bệnh dại ở trẻ em

Dị tật rò rỉ luân nhĩ ở trẻ em

fb cl