Triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ

Nhiễm trùng tiểu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ, mà nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các triệu chứng của bệnh không rõ ràng kèm với việc trẻ nhỏ chưa tự nhận thức được nên cha mẹ khó nhận biết bệnh để điều trị cho bé. Vì vậy nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.

Nhiễm trùng tiểu là gì?

nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ
Hình ảnh chuẩn đoán nhiễm trùng tiểu

– Hệ thống đường tiểu (đường tiết niệu) là cơ quan sản xuất và lưu trữ nước tiểu, bao gồm 2 quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

– Bình thường nước tiểu không có vi khuẩn. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu từ hai con đường: từ vùng da quanh trực tràng, bộ phận sinh dục và dòng máu từ các bộ phận khác của cơ thể. Vi khuẩn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào của đường tiết niệu như niệu đạo, thận hay bàng quang.

–  Nhiễm trùng tiểu phổ biến hơn ở bé gái vì niệu đạo của bé gái (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể) ngắn hơn và gần hậu môn hơn so với bé trai, do đó vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo hơn. Ngoài ra, các bé trai không được cắt bao quy đầu cũng thường dễ bị nhiễm trùng đường tiểu.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm. Trong đó phổ biến gồm những loại sau:

  • Vi khuẩn:

Đây là tác nhân thường gặp nhất trong nhiễm trùng tiểu, bao gồm các vi khuẩn thuộc hệ vi khuẩn tự nhiên trong ruột như E.Coli, Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa và Enterococci.

  • Virus:

Virus gây nhiễm trùng tiểu gồm: Adenovirus, Enteroviruses, Coxsackieviruses, Echoviruses.

  • Nấm:

Đây là tác nhân hiếm gặp, có thể gồm những loại như: Candida spp, Aspergillus spp, Cryptococcus neoformans, Endemic mycoses,….

Triệu chứng nhiễm trùng tiểu trẻ nhỏ

nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ
Nhiễm trùng tiểu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ.

– Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng tiểu trẻ em thay đổi tùy theo từng nhóm tuổi khác nhau. Đối với các trẻ lớn ( trên 3 tuổi ), các triệu chứng này tương đối dễ phát hiện do trẻ đã có thể nhận thức được và báo với cha mẹ khi đau. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Sốt
  • Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần hơn so với bình thường
  • Tiểu són trong quần
  • Trẻ kêu đau, buốt khi đi tiểu
  • Đau vùng bụng dưới hoặc vùng lưng hông
  • Cảm giác mệt mỏi, chán ăn
  • Tiểu dầm vào ban đêm.

– Tuy nhiên, trẻ càng nhỏ thì càng ít triệu chứng ở đường tiểu. Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, các dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu không mang tính chất đặc trưng và khó nhận biết.

– Hơn nữa, các bé quá nhỏ nên không thể than thở hay nêu lên sự khó chịu liên quan đến đường tiểu và các bậc cha mẹ cũng khó theo dõi được việc trẻ đi tiểu lắt nhắt nhiều lần hơn bình thường. Vậy nên các triệu chứng gián tiếp thường gặp nhất là sốt, kèm theo lờ đờ, biếng ăn, nôn mửa và có thể đau vùng bụng.

– Các bậc cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời nhiễm trùng tiểu cho trẻ, ngăn sự nhiễm trùng lan rộng ra khỏi đường tiết niệu và giảm sự tổn thương ở thận.

Cách điều trị nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ

– Nhiễm trùng tiểu chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, dùng loại kháng sinh gì, liều lượng và cách dùng như thế nào là tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại nhiễm trùng ở từng trẻ.

– Kháng sinh thường được cho uống, có thể là dạng nước hoặc dạng viên. Nhưng nếu trẻ bị sốt kèm theo nôn và không thể nuốt được bất kỳ chất lỏng gì thì cần phải tiêm kháng sinh trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc vào cơ.

– Bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý cắt thuốc khi thấy tình trạng của trẻ vừa khá lên.

– Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số cách hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu tại nhà cho trẻ như:

  • Cho trẻ uống nhiều nước lọc hoặc nước hoa quả:

Việc này giúp trẻ loại bỏ được vi khuẩn mỗi lần đi vệ sinh. Nên cho trẻ uống nước cam, chanh để tăng cường sức đề kháng; hơn nữa, nước cam, chanh giúp tạo độ axit trong nước tiểu, đây là điều kiện không thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ tăng cường bú mẹ thay vì uống nước.

  • Giữ vệ sinh vùng kín:

Bố mẹ nên thay tã, bỉm cho trẻ đều đặn, đảm bảo rằng con không phải mặc tã bẩn hoặc quần dơ trong nhiều giờ liền. Bên cạnh đó, việc vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ là điều vô cùng quan trọng. Bố mẹ có thể dùng khăn thấm nước ấm để lau sạch vùng kín cho con, sau đó lấy khăn sạch khô để lau lại. Mặc cho trẻ những loại quần khô thoáng, tránh gây bí hơi ẩm.

  • Chườm ấm:

Nếu cảm thấy trẻ bị khó chịu do tình trạng nhiễm trùng gây ra, bố mẹ nên dùng một miếng khăn vải mềm, sạch thấm qua nước ấm sau đó quấn quanh khu vực bụng dưới của trẻ và để yên trong 10 phút, lặp lại như vậy khoảng vài lần. Biện pháp này sẽ giúp trẻ giảm đau và ngứa ngáy.

Tham khảo thêm:

U não ở trẻ em

Điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em

Những biểu hiện cảnh báo sốt xuất huyết ở trẻ em

anh facebook x 300x200 1