Bên cạnh dậy thì sớm, dậy thì muộn ở trẻ cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh cần quan tâm vì tình trạng này có thể liên quan đến các bệnh lý về nhiễm sắc thể giới tính, sự phát triển không bình thường của các tuyến trong cơ thể.
MỤC LỤC :
Dậy thì muộn là gì?
Tuổi dậy thì là thời điểm cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người trưởng thành. Những thay đổi này bắt đầu ở độ tuổi 8-14 đối với trẻ gái, 9-15 tuổi đối với trẻ trai.
Các dấu hiệu của tuổi dậy thì ở bé gái gồm: ngực phát triển; mọc lông mu, có kinh nguyệt, cơ thể xuất hiện đường cong, hông nở… Bé trai bắt đầu mọc lông mu và lông mặt; tinh hoàn, dương vật phát triển; hình dạng cơ thể thay đổi; vai mở rộng, có cơ bắp… Những thay đổi này là do cơ thể tiết ra nhiều hơn hormone testosterone ở bé trai và estrogen ở bé gái.
Trong khi đó, dậy thì muộn ở trẻ nam là khi dương vật, tinh hoàn không phát triển ở tuổi 14; tầm vóc thấp so với bạn đồng trang lứa. Ở bé gái dậy thì muộn khi ngực không phát triển ở tuổi 14; không bắt đầu hành kinh trong vòng 5 năm kể từ khi ngực bắt đầu phát triển.
Nguyên nhân dậy thì muộn ở trẻ
Nguyên nhân dậy thì muộn ở bé gái
- Do di truyền: Trẻ gái dậy thì muộn có thể do di truyền từ bố mẹ
- Bệnh lý ảnh hưởng tới buồng trứng: Các rối loạn hoạt động của trục nội tiết dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng như: thiếu hormone tăng trưởng, thiếu hormone tuyến yên FSH, LH; bệnh lý suy buồng trứng sớm như bất thường bộ nhiễm sắc thể XO (hội chứng Turner – bé gái khi sinh ra bị mất hoặc bị bất thường một trong hai nhiễm sắc thể X) … Đây là những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm, không hoạt động của buồng trứng gây dậy thì muộn ở trẻ gái
- Khối lượng mỡ của cơ thể giảm: Những bé gái phải hoạt động nhiều như vận động viên thể thao, diễn viên múa ba lê; trẻ mắc chứng biếng ăn, bệnh lý mạn tính khiến chất béo, khối lượng mỡ trong cơ thể giảm cũng có thể dậy thì muộn.
- Do thể trạng: Do thể chất, một số bé gái sẽ dậy thì muộn hơn so với các bạn cùng tuổi.
Nguyên nhân dậy thì muộn ở bé trai
- Do di truyền: Có tới 70% bé trai được chẩn đoán dậy thì muộn là do di truyền từ bố mẹ.
- Do thiếu hụt nội tiết: Do thiếu hụt hormone từ khi trẻ sinh ra khiến dương vật bất thường. Ví dụ thiếu hormone IGD giúp điều hòa tuyến sinh dục gây thiếu LH và FSH.
- Bất thường tinh hoàn: Sự bất thường ở tinh hoàn, tiền sử đã từng phẫu thuật ở tinh hoàn, điều trị ung thư, đều có thể là nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé trai.
- Mắc bệnh mạn tính: Những bé trai mắc bệnh mạn tính như viêm đại tràng, thiếu máu hồng cầu liềm hoặc xơ nang thường dễ bị dậy thì muộn.
- Hội chứng Klinefelter: Một số bé trai khi sinh ra sẽ mang bộ nhiễm sắc thể XXY thay vì XY như thông thường. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển về sinh dục, sức khỏe và học tập của trẻ;
Dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ
Bé trai dậy thì muộn có biểu hiện gì?
Một bé trai được cho là dậy thì muộn nếu sau 14 tuổi trẻ không hề có bất cứ dấu hiệu thay đổi nào trên cơ thể, gồm:
- Tinh hoàn và dương vật không phát triển
- Không mọc lông mu
- Chiều cao không tăng tăng vọt trong vòng 1 năm kể từ khi các dấu hiệu đầu tiên của dậy thì xuất hiện.
Bé gái dậy thì muộn có biểu hiện gì?
Nếu sau 14 tuổi mà bé gái không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu phát triển sinh như:
- Chưa có kinh nguyệt;
- Nhũ hoa không đau, chưa phát triển về kích thước.
Các phương pháp điều trị dậy thì muộn
Ở bé gái
- Nếu liên quan đến thể chất: Có thể bổ sung cho trẻ 4 – 6 tháng hormone estrogen để thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn.
- Nếu do lượng mỡ cơ thể giảm: Cần bổ sung dinh dưỡng để trẻ tăng cân phù hợp lứa tuổi.
- Do suy buồng trứng sớm hoặc thiếu hụt hormone: Bổ sung estrogen liều thấp và định kỳ 6 tháng sẽ tăng liều. Sau 12 – 18 tháng, bác sĩ sẽ bổ sung tiếp hormone progestin và sau vài tháng sẽ dừng progestin 1 – 2 ngày. Bác sĩ cần trao đổi với cha mẹ về khả năng sinh sản của trẻ sau này.
Ở bé trai
– Dùng thuốc tiêm trong vài tháng để kích thích chiều cao và sự phát triển cơ quan sinh dục
– Với trẻ mắc chứng thiếu hụt hormone IGD hoặc dương vật bị tổn thương: Bổ sung testosterone là lựa chọn đầu tiên. Liều sử dụng sẽ tăng theo thời gian và sẽ tiếp tục bổ sung khi trẻ đã trưởng thành.
Trị liệu tâm lý
Dậy thì là một cột mốc trưởng thành quan trọng với trẻ nên nhiều trẻ dậy thì muộn sẽ mặc cảm, tự ti với bạn bè. Cha mẹ cần quan tâm chia sẻ, tránh làm trẻ hoang mang lo sợ và đồng hành với trẻ nếu cần điều trị.
Hy vọng rằng với những thông tin chia sẻ ở trên các bậc phụ huynh đã có thêm những kiến thức hữu ích về dậy thì muộn ở trẻ để đồng hành cùng con trên từng mốc phát triển thể chất và tinh thần.
Xem thêm:
Những dấu hiệu từ móng tay cho thấy cơ thể gặp vấn đề
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất dinh dưỡng
Facebook: Dược phẩm 365
Youtube: Dược phẩm 365