Sỏi Mật – Nguyên Nhân và Triệu Chứng

Sỏi Mật Là Gì?

Sỏi mật là một trong các bệnh về đường tiêu hóa, xảy ra khi có sự xuất hiện của sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật hoặc sỏi hỗn hợp trong túi mật và hệ thống đường dẫn mật trong gan, ống mật chủ.

Khoảng 80% sỏi mật chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật. 20% còn lại có thể gặp sỏi sắc tố mật liên quan đến nồng độ cao bất thường của sắc tố mật bilirubin.

Bình thường túi mật sẽ dự trữ dịch mật giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn từ gan. Khi chúng ta ăn, túi mật thực hiện chức năng bằng cách co bóp và tiết mật vào ruột non. Tuy nhiên, nếu chức năng gan suy giảm, vận động đường mật kém gây ứ mật hay có tình trạng viêm thì các thành phần trong dịch mật sẽ bị xáo trộn và kết tụ tạo thành sỏi mật. Sự xuất hiện của sỏi mật làm cản trở dòng chảy của dịch mật, tăng áp lực trong đường mật mỗi khi túi mật co bóp hoặc gây viêm, tổn thương đường mật, túi mật.

Sỏi hình thành trong túi mật
Sỏi hình thành trong túi mật

Sỏi mật có thể gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt, nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật (90% bệnh nhân bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật) cấp hoặc mạn tính, viêm tụy cấp, nặng hơn nữa là sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không xử lý cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong.

Nguyên Nhân Gây Sỏi Mật

  • Dịch mật chứa nhiều cholesterol: Thông thường, mật có đủ hóa chất để hòa tan cholesterol mà gan bài tiết ra. tuy nhiên, nếu gan bài tiết quá nhiều cholesterol và mật không hòa tan được hết sẽ gây ứ đọng cholesterol và lâu dần hình thành tinh thể, kết tinh lại thành sỏi mật.
  • Mật chứa nhiều bilirubin: Bilirubin là hóa chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Khi bạn gặp phải các vấn đề như xơ gan, rối loạn về máu, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến gan tạo ra nhiều bilirubin và lượng bilirubin dư thừa sẽ tích tụ lại rồi hình thành nên sỏi mật.
  • Túi mật không được làm trống thường xuyên: Túi mật của bạn có khả năng tự làm trống theo chu kì nhất định. Nếu lúc nào túi mật cũng chứa đầy mật thì mật có thể sẽ bị cô đặc và lâu dần hình thành sỏi mật.

Các Loại Sỏi Mật

Sỏi cholesterol

Loại này chiếm 80% các loại sỏi mật, thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn và viêm nhiễm. Sỏi cholesterol có màu xanh vàng và chủ yếu được tạo thành từ cholesterol cứng. Phụ nữ và những người béo phì, có liên quan đến mật quá bão hòa với cholesterol thường dễ bị sỏi cholesterol.

Sỏi sắc tố

Sỏi sắc tố có hai loại sỏi đen và sỏi nâu.

Sỏi sắc tố đen: Được tạo thành từ canxi bilirubinate tinh khiết hoặc phức hợp của canxi, đồng và glycoprotein mucin. Những viên sỏi mật này thường hình thành trong tình trạng ứ trệ (ví dụ, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch) hoặc dư thừa bilirubin không liên hợp (ví dụ, tán huyết hoặc xơ gan). Sỏi sắc tố đen có nhiều khả năng vẫn còn trong túi mật.

Sỏi sắc tố nâu: Được tạo thành từ muối canxi của bilirubin không liên hợp với một lượng nhỏ cholesterol và protein. Những viên đá này hay nằm trong đường mật gây tắc nghẽn và thường thấy ở những nơi có dịch mật bị nhiễm khuẩn. Sỏi sắc tố nâu phổ biến ở người bệnh Châu Á và hiếm khi gặp ở bệnh nhân ở Hoa Kỳ.

Triệu Chứng Của Sỏi Mật

Đau bụng

Phần lớn trường hợp sỏi mật có triệu chứng đau ở vùng hạ sườn phải, nhưng cũng không ít trường hợp cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn và phía dưới xương ức).

Cơn đau sỏi mật thường xuất hiện sau các bữa ăn, đặc biệt khi ăn nhiều dầu mỡ hoặc về đêm khiến người bệnh mất ngủ. Cơn đau nhiều và liên tục kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.

Tùy theo vị trí hình thành sỏi mà tính chất cơn đau sẽ khác nhau:

  • Sỏi túi mật: khi viên sỏi kẹt trong cổ túi mật, người bệnh thường đau bụng dữ dội vùng hạ sườn phải theo từng cơn.
  • Sỏi trong gan hoặc ống mật chủ: người bệnh đau quặn vùng hạ sườn phải, lan ra vai phải hoặc sau lưng, vùng thượng vị.
Đau do sỏi túi mật
Đau do sỏi túi mật

Rối loạn tiêu hóa

Sỏi mật làm cản trở dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chậm tiêu, chán ăn, sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ.

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sau bữa ăn, có thể kèm theo buồn nôn và nôn.

Người bệnh cần đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dữ dội kéo dài nhiều giờ và không thuyên giảm dù có uống thuốc giảm đau.
  • Sốt cao trên 38 độ C, kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.
  • Buồn nôn và nôn kèm cảm giác chướng bụng.
  • Ngứa da kết hợp vàng da hoặc vàng mắt.

Những Ai Có Nguy Cơ Bị Sỏi Mật

Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi mật. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ở trong những tình trạng dưới đây thì nguy cơ bạn mắc bệnh sỏi mật sẽ cao hơn những người bình thường khác:

  • Người lười vận động
  • Người có chế độ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, ít chất xơ
  • Thừa cân, béo phì
  • Uống thuốc tránh thai thường xuyên 
  • Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, mắc các bệnh rối loạn máu
  • Người có tiền sử gia đình mắc sỏi mật
  • Người mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan
  • Giảm cân nhanh cũng tăng nguy cơ mắc bệnh

Nếu thuộc một trong những đối tượng trên, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu sức khỏe có những bất thường.

Các Phương Pháp Phòng Ngừa Sỏi Mật

  • Hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật, trứng…
  • Tăng đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan.
  • Giàu đường bột: thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật và nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón.
  • Giàu vitamin C và vitamin nhóm B (để tăng chuyển hóa chất mỡ và đường bột) có trong rau và hoa quả tươi
  • Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng đạm, mỡ, đường ở người trưởng thành bình thường là 1/0,75/5 còn ở người bị sỏi mật nên là 1/0,5/5.
  • Thức ăn không nên dùng: trà, cà phê, cacao, chocolate, thịt cá nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa..
  • Thực phẩm nên dùng: Nước ép, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như nạc thăn heo, thịt bò, cá lóc, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh có thể dùng được.
  • Để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như bơ, dầu thảo mộc, mỡ gà vịt.
  • Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày

Cách Điều Trị Sỏi Mật

Không Phẫu Thuật

Được thực hiện bằng cách uống thuốc tan sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng cao tần, lấy sỏi qua da sau khi đã làm tan sỏi, lấy sỏi qua nội soi. Các phương pháp này được thực hiện khá đơn giản nhưng kết quả lại không cao do còn để lại túi mật, nơi có thể tạo ra sỏi mới trong tương lai.

Phẫu Thuật

Phương pháp này lại có hai kỹ thuật chính là phẫu thuật mổ hở và phẫu thuật nội soi. Trong đó, phẫu thuật nội soi là phương pháp tiên tiến, được áp dụng rộng rãi hơn vì nó mang nhiều ưu điểm như: vết mổ nhỏ, hạn chế đau đớn, chảy máu, hồi phục nhanh chóng và có tính thẩm mỹ. Vết mổ nhỏ cũng giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, đảm bảo an toàn hơn cho bệnh nhân.

 

Tham Khảo Thêm

Sỏi Thận – Nguyên Nhân và Triệu Chứng

Sự hình thành của sỏi mật

Nhiễm độc gan

anh facebook x 300x200 1