Đau thận: Hãy tìm hiểu 6 nguyên nhân sau đây

Viêm cầu thận, tắc nghẽn mạch máu đến thận… có thể gây tổn thương thận với các triệu chứng như đau lưng hay tiểu máu.

Thận nằm ở hai bên của xương sống, bên dưới khung xương sườn, thận trái cao hơn thận phải một chút. Cơ quan hình hạt đậu là một phần của hệ thống tiết niệu, lọc chất thải ra khỏi cơ thể. Chúng còn có nhiều chức năng quan trọng khác như tạo ra một loại hormone kiểm soát huyết áp.

Cơn đau thận có thể rõ ràng hoặc chỉ âm ỉ và không phải tất cả nguyên nhân gây đau thận đều cần điều trị. Điều quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng và thăm khám kịp thời.

Dưới đây là 6 nguyên nhân gây đau thận bạn cần chú ý!

Viêm cầu thận

Viêm cầu thận xuất phát từ các tình trạng mạn tính khác như bệnh tiểu đường và bệnh lupus. Viêm nặng hoặc lâu dài có thể gây tổn thương thận và gây đau thận. Các triệu chứng bao gồm đau thận ở một hoặc cả hai thận, nước tiểu màu hồng hoặc sẫm màu; nước tiểu có bọt; sưng bụng, mặt, tay và chân… Điều trị viêm thận phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu bạn bị tiểu đường, việc kiểm soát lượng đường trong máu bằng thuốc và chế độ ăn uống có thể giúp trị chứng viêm. Nếu thận bị viêm nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc steroid.

viem cau than

Tắc nghẽn mạch máu đến thận

Sự tắc nghẽn mạch máu đến thận được gọi là nhồi máu thận hoặc huyết khối tĩnh mạch thận. Điều này xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến và đi từ thận đột ngột bị chậm lại hoặc ngừng hẳn. Tắc nghẽn lưu lượng máu đến thận thường xảy ra ở một bên. Các triệu chứng bao gồm: đau một bên hoặc sườn nghiêm trọng; đau lưng dưới hoặc đau bụng; máu trong nước tiểu.

Tình trạng nghiêm trọng này gây tổn thương thận và dẫn đến đau thận. Điều trị thường liên quan đến thuốc chống đông máu, giúp làm tan cục máu đông và ngăn chúng hình thành trở lại. Thuốc chống đông máu có thể được dùng ở dạng viên nén hoặc tiêm trực tiếp vào cục máu đông. Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật là cần thiết để loại bỏ cục máu đông.

Chảy máu thận

Chảy máu hoặc xuất huyết là nguyên nhân nghiêm trọng gây đau thận. Bệnh tật, chấn thương hoặc va đập vào vùng thận thường dẫn đến chảy máu bên trong thận. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: đau bên hông và thắt lưng; đau bụng và sưng; máu trong nước tiểu; buồn nôn và ói mửa.

Giảm đau và nghỉ ngơi giúp chữa chảy máu thận nhẹ. Trong trường hợp nghiêm trọng, chảy máu có thể dẫn đến sốc gây hạ huyết áp, ớn lạnh và nhịp tim nhanh. Điều trị khẩn cấp bao gồm truyền chất lỏng để tăng huyết áp. Phẫu thuật cũng là cách ngăn chảy máu thận nếu tình trạng tăng nặng.

chay mau than

Mất nước

Uống không đủ nước có thể gây đau thận ở một hoặc cả hai quả thận. Mất nước xảy ra do đổ mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy… Các tình trạng như bệnh tiểu đường cũng có thể dẫn đến mất nước. Mất nước nghiêm trọng hoặc mạn tính sẽ làm tích tụ chất thải trong thận với các triệu chứng bao gồm: đau hoặc khó chịu ở lưng; mệt mỏi; thèm ăn…

Để cải thiện tình trạng này, bạn cần uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giàu nước như trái cây tươi, rau quả. Ngoài ra, cần nạp thêm nước nếu uống cà phê và đồ uống chứa caffein khác. Lượng nước đưa vào cơ thể tùy thuộc vào tuổi tác, khí hậu, chế độ ăn uống và các yếu tố khác. Bạn cũng cần kiểm tra màu sắc của nước tiểu để ước tính xem cơ thể có đủ nước hay không. Màu vàng đậm có nghĩa là bạn cần nhiều nước hơn.

mat nuoc o than
Mất nước sẽ dẫn đến đau thận

Sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể nhỏ, cứng tích tụ bên trong thận, được tạo ra từ muối và khoáng chất như canxi. Sỏi thận có thể gây đau khi di chuyển hoặc thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Các triệu chứng bao gồm: đau dữ dội ở lưng; đau nhói ở bụng và háng; đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn; sốt hoặc ớn lạnh; buồn nôn hoặc nôn mửa; máu trong nước tiểu (màu hồng, đỏ hoặc nâu); khó đi tiểu…

Sỏi thận có thể gây đau nhưng chúng thường không gây hại và cần được điều trị bằng thuốc giảm đau. Uống nhiều nước cũng giúp tống sỏi ra ngoài. Sỏi kích thước lớn cần áp dụng các phương pháp phẫu thuật để loại bỏ.

đau thận

Bệnh thận đa nang

Bệnh thận đa nang (PKD) xảy ra khi có nhiều nang ở một hoặc cả hai quả thận. Đây là nguyên nhân gây suy thận cao thứ tư. Các triệu chứng thường bắt đầu ở tuổi 30 trở lên. Bệnh thường ảnh hưởng đến cả hai quả thận, nhưng có thể chỉ cảm thấy đau thận ở một bên. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: đau một bên thận hoặc lưng; nhiễm trùng thận thường xuyên; sưng bụng; huyết áp cao… Huyết áp cao là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh thận đa nang. Nếu không được điều trị, huyết áp cao có thể làm tổn thương thận nặng hơn.

benh than da nang

Không có cách chữa trị PKD. Phương pháp điều trị chỉ là kiểm soát huyết áp bằng thuốc và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Bệnh nhân cũng cần thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận, giúp ngăn ngừa tổn thương thêm cho thận. Điều trị khác bao gồm kiểm soát cơn đau và uống nhiều nước. Trong những trường hợp nghiêm trọng, một số người bị PKD cần ghép thận.

Xem thêm:

Bí kíp làm đẹp: Các cách chăm sóc để có bàn tay đẹp

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất dinh dưỡng

Facebook: Dược phẩm 365

Youtube: Dược phẩm 365