Cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ thực sự

Khi tuổi thai ≥ 37 tuần, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cuộc chuyển dạ. Dưới đây là cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ thực sự mà mẹ bầu nào cũng nên biết.

Chuyển dạ thực sự có những dấu hiệu gì?

Các cơn co tử cung mạnh và đều: Cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ:

  • Các cơn co thường bắt đầu khi bạn có cảm giác đau vùng lưng, sau đó chuyển dần ra phía trước bụng và đau lan từ đáy tử cung xuống dưới.
  • Những cơn co tử cung xuất hiện đều đặn, có chu kỳ, mạnh dần, mỗi cơn co bạn thấy bụng co cứng, cảm giác đau tăng dần trong mỗi cơn co.
  • Có khoảng 2 cơn co trong 10 phút, thời gian cơn co tử cung ngày càng kéo dài (> 25 giây), trong khoảng 1-2 giờ, sau đó tăng dần về tần số và cường độ.

Dịch âm đạo có máu:

  • Dịch âm đạo có màu hồng, nâu hoặc hơi có máu, bạn đừng quá lo lắng vì đây là dấu hiệu xóa mở cổ tử cung.
  • Nếu máu âm đạo ra nhiều, đỏ tươi bạn nên đến ngay bệnh viện kể cả khi chưa đau bụng nhiều vì đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm cho bạn và bé.

Vỡ ối:

Bạn có thể thấy nước trào ra từ âm đạo, có thể nhiều hoặc ít, trong trường hợp này kể cả chưa đau bụng bạn cũng nên đến bệnh viện ngay.

Cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ thực sự
Mẹ bầu xuất hiện tình trạng vỡ ối

Sự xóa mở cổ tử cung:

Cơn co chuyển dạ sẽ giúp xóa mở cổ tử cung. Khi cơn co tử cung đều đặn và bác sĩ thông báo cổ tử cung của bạn đã xóa và mở ≥ 2 cm, bạn đã thực sự bước vào cuộc chuyển dạ.

Các dấu hiệu chuyển dạ khác:

  • Đau vùng thắt lưng và bị chuột rút: Bạn có thể cảm thấy căng tức khó chịu tăng dần hoặc bị chuột rút ở vùng chậu và trực tràng, cũng như là đau âm ỉ ở vùng thắt lưng.
  • Tiêu chảy hoặc buồn nôn: bạn cũng có thể có hiện tượng đi ngoài phân lỏng ở giai đoạn đầu của cuộc chuyển dạ hoặc bắt đầu nôn không rõ lý do.
Cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ thực sự
Các cơn co xuất hiện khoảng 2 cơn co trong 10 phút

Phân biệt cơn co tử cung giả và thật

Cơn co tử cung giả thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn không đều và cách xa nhau. Các cơn co giả thường được cảm nhận thấy ở phía trước của cơ thể chỗ vùng bụng dưới khi bạn đi bộ hoặc tăng vận động. Những cơn co này bạn có thể cảm nhận được nhưng thường không gây cảm giác đau thắt từng cơn.

Cơn co chuyển dạ thực sự xảy ra khi bạn có cơn co tử cung đều đặn, 2 cơn co trong 10 phút, tăng dần về tần số và cường độ mạnh dần. Các cơn co chuyển dạ thực sự không biến mất ngay cả khi sản phụ thay đổi tư thế, hoặc nằm nghỉ ngơi.

Sản phụ nên làm gì khi có chuyển dạ thực sự?

  • Thư giãn, vận động nhẹ nhàng, tập thở khi có các cơn đau để giúp cơn co đều đặn. Sự lưu thông khí tốt giúp em bé được cung cấp đầy đủ oxy và giúp cổ tử cung tiến triển tốt.
  • Ăn nhẹ trong chuyển dạ giúp bạn dễ tiêu hóa, uống đủ nước giúp cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho bạn để bạn có đủ năng lượng cho cuộc chuyển dạ.
  • Nghe nhạc, masage vùng thắt lưng và vai bởi người thân nhất là chồng sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ đau và tinh thần được hỗ trợ rất nhiều.
  • Bạn có thể nhận được sự hỗ trợ từ các bác sĩ giảm đau nếu cảm thấy những cơn đau làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bạn bằng các biện pháp giảm đau chuyển dạ, giúp cuộc chuyển dạ trở thành một trải nghiệm tuyệt vời và bạn sẽ có tinh thần tốt để chờ đón con của mình chào đời.
Các cơn co xuất hiện khoảng 2 cơn co trong 10 phút
Mẹ bầu nên thư giãn và tập thở

Những vấn đề cần lưu ý

  • Bị ra máu hoặc ra dịch âm đạo màu đỏ tươi (không phải là màu nâu hay hồng)
  • Vỡ ối – đặc biệt nếu nước ối có màu xanh hoặc nâu. Đây có thể là dấu hiệu nước ối có phân su (phân đầu tiên của em bé) và gây nguy hiểm nếu em bé hít phải trong quá trình chào đời.
  • Bị mờ mắt hoặc thấy song thị, đau đầu dữ dội hoặc đột nhiên bị phù nề. Đây đều có thể là triệu chứng của bệnh tiền sản giật, đặc trưng bởi huyết áp cao thai kì và cần được chăm sóc y tế đặc biệt.

Tham khảo thêm:

Kiêng cữ sau sinh – sinh mổ, sinh thường

Bí quyết giúp bạn sinh thường dễ dàng hơn

anh facebook x 300x200 1