Vậy khi trẻ ốm, cha mẹ cần quan sát những dấu hiệu nào? Dưới đây là 4 dấu hiệu được gọi là “dấu hiệu nguy hiểm toàn thân”. Chúng ta cần nhau nhận biết 4 dấu hiệu nguy hiểm toàn thân mà mẹ nào cũng cần biết để sớm đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ càng nhỏ thì những diễn biến của bệnh càng nhanh và càng khó lường, do vậy khi trẻ bị ốm điều quan trọng là quan sát trẻ, theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời làm giảm thiểu biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong ở trẻ.
4 dấu hiệu nguy hiểm toàn thân
Bỏ bú hoặc bỏ uống
Quan sát xem trẻ có mút được khi cho trẻ bú mẹ, trẻ có nuốt được khi cho trẻ uống. Nếu trẻ không thể mút hoặc nuốt được khi cho bú mẹ hoặc uống thì đó là dấu hiệu nặng cần cho trẻ đi khám cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế.
Trường hợp, trẻ khó mút hoặc nú một chút rồi thôi thì cần xác định xem trẻ có bị tắc mũi không. Nếu trẻ bị tắc mũi cần làm sạch và thông mũi bằng nước muối sinh lý, nếu trẻ vẫn mút và bú được sau khi làm sạch thì trẻ không có dấu hiệu nguy hiểm.
Nôn tất cả mọi thứ
Là trẻ nôn nhiều lần, nôn nặng đến mức không giữ lại bất cứ thứ gì ăn hoặc bú vào kể cả nước uống và thuốc.
Nếu trẻ chỉ nôn 1-2 lần, sau khi ăn, nôn ít là trẻ không có dấu hiệu nguy hiểm.
Trẻ co giật
Là khi chân tay trẻ bị co cứng vì các cơ co rút ngắn lại, mắt trợn hoặc mất ý thức, trẻ có thể co giật từng cơn ngắn 10 phút, 20 phút nhưng cũng có thể kéo dài.
Khi co giật trẻ thường mất tỉnh táo, thơ ơ không đáp ứng lại với tiếng động hoặc sự việc xảy ra xung quanh.
Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức
Là trẻ không tỉnh táo, không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh, không nhìn mẹ không nhìn vào người khám khi hỏi chuyện, không quan tâm đến bú mẹ hoặc ăn uống.
Khi kích thích như gây đau trẻ có thể thức nhưng sau đó lại ngủ lịm khi ngừng kích thích, trẻ nhìn thẩn thơ, thờ ơ không chú ý đến ngoại cảnh gọi là ngủ gà.
Trẻ khó đánh thức là trẻ không phản ứng khi chạm vào người, lay hoặc hỏi chuyện, không thể đánh thức được.
Điều quan trọng nhất với cha mẹ là nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm để đưa con đi khám kịp thời.
Tham khảo thêm:
Viêm gan A ở trẻ em: Những điều cần biết